Ngân hàng giảm phí dịch vụ: Một mũi tên trúng nhiều đích
Việc nhiều ngân hàng miễn phí hoặc áp dụng mức phí thấp đối với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử thời gian gần đây được nhận định là bước đi khôn ngoan nhằm gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên ngày càng phổ biến khi mang lại nhiều tiện ích đa dạng, giảm thiểu rủi ro, độ bảo mật an toàn cao. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh bên mình, người tiêu dùng đã có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, từ khám bệnh, làm đẹp cho đến các hoạt động vui chơi, giải trí.
Đặc biệt, hình thức thanh toán qua QR Code cũng đang được hàng loạt các ngân hàng liên kết với các cửa hàng, trung tâm dịch vụ triển khai mở rộng với nhiều khuyến mại, hoàn tiền hấp dẫn…cũng góp phần làm cho cuộc đua thanh toán tiền mặt tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.
Đón đầu xu hướng này, thời gian gần đây, đang có một cuộc đua giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong việc thu hút khách hàng thông qua việc tung ra nhiều chương trình ưu đãi, điển hình như miễn phí dịch vụ (phí giao dịch chuyển tiền trực tuyến, phí rút tiền tại ATM hay phí duy trì tài khoản...
Đua giảm phí rút tiền
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã ban hành chính sách phí dịch vụ ngân hàng điện tử SeANet/SeAMobile mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng SeABank sẽ được miễn nhiều loại phí khi sử dụng dịch vụ như: miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống SeABank cho khách hàng sử dụng dịch vụ SeANet/SeAMobile; miễn phí mở và sử dụng dịch vụ SeANet/SeAMobile. Chính sách này áp dụng cho tất cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng cho 10 giao dịch đầu tiên trên ứng dụng VPBank Online thay vì mức phí 7.000 - 8.000 đồng/giao dịch như trước đó. Từ giao dịch thứ 11 trên VPBank Online, khách hàng tiếp tục được miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng với điều kiện có số dư bình quân trong tài khoản thanh toán từ 10 triệu đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) gần đây cũng tung chương trình miễn tất cả phí trong 3 tháng đầu gồm phí tài khoản thanh toán, phí duy trì thẻ, phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền online, phí chuyển tiền tại quầy cho khách hàng lần đầu tham gia gói Sapphire và Gold.
Về phí chuyển khoản liên ngân hàng, hiện nay, ngoài SeABank, VPBank, VIB còn có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cũng bắt đầu nhập “cuộc chơi”. Tuy nhiên, đi tiên phong trong làn sóng này phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với chính sách “Zero Fee” - miễn phí cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9/2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10/2018.
Một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank)…đều đã miễn phí chuyển khoản nội bộ ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Bước đi khôn ngoan
Các chuyên gia tài chính nhận định, việc nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và tầm trung miễn phí hoặc áp dụng mức phí thấp đối với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử là bước đi khôn ngoan nhằm gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, khi khách hàng chi tiêu qua thẻ, ngân hàng sẽ hiểu hơn các nhu cầu mua sắm, từ đó có thể khai thác được nhiều tiềm năng hơn từ chính khách hàng đó với các sản phẩm phù hợp.
“Việc thu hút được lượng lớn khách hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được một hệ thống dữ liệu khách hàng lớn, kéo theo có thể bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác như: bảo hiểm, cho vay du học...”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay.
Đáng chú ý, không chỉ thu hút khách hàng sử dụng, việc miễn phí dịch vụ không chỉ giúp ngân hàng thu hút thị phần mà còn huy động được một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn - khoản tiền người dùng luôn để sẵn trong tài khoản. Với chính sách “Zero Fee”, chỉ sau 3 năm triển khai, Techcombank đã xây dựng hệ thống khách hàng “khủng” lên gấp 8 lần, đồng nghĩa với số lượng tiền gửi không kỳ hạn lên tới 30.000 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2019, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank đứng đầu trong hệ thống, chiếm hơn 30,2% tổng tiền gửi tại ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng này lý giải, khi khách sử dụng dịch vụ thì dòng tiền sẽ ở lại trong ngân hàng, góp phần làm giảm chi phí huy động vốn, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) được cải thiện.
Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc đẩy mạnh huy động tiền gửi không kỳ hạn cũng nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tỷ lệ này đã giảm từ 50% xuống 40% vào đầu năm nay và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết lại để tỷ lệ này xuống còn 30% vào năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn lại được tính vào vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ phải trả lãi khoảng 0,1 - 0,5%/năm, thay vì mức lãi từ 4 - 5%/năm như huy động có kỳ hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận