Ngân hàng dồn lực cho tăng trưởng dù kinh tế khó khăn
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên phải đối mặt với không ít thách thức do tình hình kinh tế - chính trị phức tạp của thế giới; lạm phát cao trên toàn cầu, tuy nhiên một số ngân hàng vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay nhờ có lối đi riêng để ứng phó.
Giảm tăng trưởng doanh thu phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường
Hiện có 3 khó khăn lớn nhất của hệ thống ngân hàng là tín dụng, trái phiếu và tiền gửi không kỳ hạn đều giảm. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, 4 tháng đầu năm 2023, tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn tăng chậm, chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, ngành ngân hàng vẫn có những chính sách miễn giảm lãi với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt năm 2023 và năm 2024. Giới phân tích cho rằng, nếu các chính sách khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp được triển khai tốt, triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng có thể tích cực hơn kể từ quý III năm nay.
Tại Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 của ABBank diễn ra ngày 28/4, bà Lê Thị Bích Phượng, quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết: Từ nay tới năm 2025, ABBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, tập trung khai thác nhóm khách hàng cá nhân (KHCN) và khách hàng SMEs (doanh nghiệp có quy mô nhỏ về vốn).
Năm 2023, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần trước rủi ro kỳ vọng đạt 5.665 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 125% so với năm 2022; tổng tài sản đạt 136.816 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 2.826 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 97.382 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2022.
Những mục tiêu này được đưa ra khiến ABBank phải đối mặt với khá nhiều thách thức nhưng các khối kinh doanh của ngân hàng đã xác định các hoạt động trọng tâm trong năm nay.
Đó là, với mảng khoa học công nghệ, ABBank tiếp tục xây dựng và phát triển kênh kỹ thuật số; đưa ra các giải pháp thanh toán nhanh chóng và thuận tiện đi kèm với các chương trình ưu đãi phù hợp nhằm thu hút Casa (tiền gửi không kỳ hạn) từ khách hàng; tập trung vào các giải pháp cho vay đối với các phân khúc khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thông qua kênh hợp tác với chủ đầu tư; kiểm soát chặt chẽ công tác định giá tài sản đảm bảo trong hoạt động cho vay hiệu quả hơn.
VietinBank cũng xác định các chủ điểm trọng tâm trong kinh doanh năm 2023. Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT cho biết: Quý I/2023, VietinBank đạt kế hoạch kinh doanh tích cực. Tổng tài sản tăng 0,9%, tương đương tăng thêm 16.000 tỷ đồng, đưa tổng tài sản lên trên 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ tín dụng tăng tới 4,6%, thuộc top ngân hàng có tín dụng tăng tốt nhất hệ thống (cao gấp đôi mức độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống).
Theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng song tăng hiệu quả, phù hợp. Ngân hàng luôn chắt chiu nguồn vốn, đảm bảo huy động nguồn vốn rẻ, chủ động cơ cấu lại các nguồn vốn theo hướng giảm cơ cấu vốn dài hạn, tăng cơ cấu vốn ngắn hạn giá rẻ để giảm chi phí vốn, từ đó cạnh tranh thu hút các dự án tốt. Dự kiến năm nay, lợi nhuận trước thuế của VietinBank sẽ tăng từ 10 - 15%.
Với VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết: Động lực tăng trưởng năm 2023 của ngân hàng đến từ 3 mảng chính. Thứ nhất, phân khúc chiến lược gồm bán lẻ và SME. VPBank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, với tỷ trọng khách hàng cá nhân và SME chiếm hơn 60% danh mục cho vay của ngân hàng riêng lẻ. Đây cũng là hai phân khúc khách hàng có sự tăng trưởng tốt năm 2022 khi đều tăng 37% so với năm 2021; thứ hai, phân khúc khách hàng là doanh nghiệp FDI.
“VPBank đang hướng tới phát triển cung cấp dịch vụ cũng như tăng huy động từ nhóm khách hàng này. Mục tiêu của ngân hàng là nâng doanh số huy động của nhóm doanh nghiệp FDI từ 2.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết. Dự kiến quí III và IV/2023, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu cũng sẽ giảm.
MB đặt mục tiêu năm 2023 lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 15% so với năm 2022, đạt 26.138 tỉ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 14%, tỉ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%. Ngân hàng cũng dự kiến năm sau (2024) sẽ chia cổ tức tỉ lệ 10 - 15%.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, cổ đông đặt câu hỏi về việc liệu MB có nằm trong nhóm ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất? Phó Tổng giám đốc thường trực MB, ông Phạm Như Ánh cho biết: “Cho vay bất động sản gồm cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà để ở. Hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 7,8% trong tổng cho vay của MB, thuộc Top có tỉ lệ cho vay thấp nhất thị trường”.
Phía Techcombank vừa trình Đại hội cổ đông các chỉ tiêu tài chính quan trọng cho năm 2023. Theo đó, dư nợ tín dụng đạt mức 511.297 tỷ đồng (tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được NHNN cấp phép); huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm rối ưu hoá nguồn huy động; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng (giảm 14% so năm trước).
“Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn phương án tương đối thận trọng nhất và tin rằng chúng ta thực thi được nó. Nếu số liệu quay laị tốt thì Techcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch và các mục tiêu cao hơn. Quan điểm của chúng tôi là trong khó khăn, thận trọng sẽ tốt hơn”, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết.
Và 3 trụ cột mà Techcombank sẽ tiếp tục thực hiện là Số hoá - Dữ liệu - Nhân tài.
Về định hướng chiến lược của Ngân hàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Lienvietpostbank cho biết, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá hoạt động ngân hàng, kiên định với chiến lược bán lẻ đặc biệt trên khu vực nông thôn trên cơ sở mạng lưới rộng lớn. Tái cấu trúc ngân hàng để tối ưu phát triển kinh doanh, tăng tỷ trọng thu từ phi tín dụng, đồng thời, quyết liệt xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng phát triển những trụ cột chính, đảm bảo kinh doanh an toàn hiệu quả. Mục tiêu giai đoạn 2023 - 2028 của ngân hàng là nâng cao thu nhập và chế độ cho cán bộ nhân viên, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, cung cấp dịch vụ tối ưu cho khách hàng và đối tác, tập trung chuyển đổi số, số hoá toàn diện, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội”, ông Nguyễn Đức Thụy cho biết.
Lienvietpostbank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, điều này phản ánh nỗ lực và quyết tâm của ngân hàng trong việc đảm bảo lợi ích cho khách hàng và cổ đông giữa bối cảnh dự báo kinh tế 2023 còn nhiều thách thức.
Giảm lãi, cơ cấu, gia hạn nợ cho khách hàng khó khăn
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng ABBank cho biết: Ngân hàng đang tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cho các khách hàng đáp ứng các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 31 của Chính phủ, áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn thông qua việc cân đối các nguồn vốn để thực hiện các chương trình cho vay khách hàng với lãi suất ưu đãi, giảm các loại phí giao dịch.
“Thông tư số 02 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực sự có ý nghĩa cho các khách hàng và doanh nghiệp gặp khó khăn. ABBank đã ban hành Hướng dẫn nội bộ và tổ chức triển khai trên toàn hệ thống nhằm hỗ trợ khách hàng có thêm thời gian khắc phục khó khăn...”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, trong 4 tháng đầu năm 2023, Vietcombank đã triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay khách hàng tổ chức, cá nhân hiện hữu đáp ứng đủ tiêu chuẩn là 0,5% với quy mô tác động là hơn 600.000 tỷ đồng.
“Ngày 1/5 tới, khi hết chương trình giảm lãi suất 4 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng sẽ công bố tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hiện hữu trong 3 tháng tới. Như vậy, sẽ tiếp tục tác động đến hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ và khoảng hơn 110.000 khách hàng tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ chương trình này”, lãnh đạo Vietcombank tiết lộ.
Cùng với Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hỗ trợ thêm thanh khoản cho các doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh hiện nay đang gặp những khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập, tiêu dùng, khả năng chi trả. Thông tư 03 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vừa được ban hành sẽ hỗ trợ thị trường trái phiếu thể hiện những nỗ lực vượt bậc của ngành ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận