Ngân hàng, doanh nghiệp ‘hồi hộp’ chờ sửa Thông tư 01 sắp hết hạn
Trong bối cảnh Thông tư 01 sắp “hết hạn”, cả phía ngân hàng và doanh nghiệp đang mong chờ quy định mới để sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường phục hồi do đại dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ Covid-19 sắp hết hạn
Nhiều doanh nghiệp và cả các ngân hàng hiện đang trông ngóng Thông tư sửa đổi Thông tư 01 ban hành ngày 13-3-2020, quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, dù đã hết thời hạn lấy ý kiến từ lâu.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, có khoảng 80% các gói hỗ trợ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 23-1 đến 30-6-2020 và đã dần hết hạn vào quí 3-2020, phần còn lại sẽ “hết hạn” vào quí 4-2020 và quí 1-2021.
Thông tư 01 ra đời từ hồi tháng 3, ngay khi đại dịch Covid-19 vừa bắt đầu bùng phát. Lãnh đạo NHNN chia sẻ khi đó vì tính cấp bách mà ban hành văn bản cho phép tái cấu trúc nợ vì Covid-19 trước cả khi Thông tư 01 ra đời.
Từ đó đến nay, Thông tư 01 được thị trường đánh giá cao vì tính kịp thời và hữu dụng của nó, giúp các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp “kéo dài” được thời gian, giúp nền kinh tế tiếp tục hoạt động.
Số liệu mới cập nhật mới đây của NHNN cho biết tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỉ đồng. Con số này có chút ‘vênh’ với tính toán của SSI dựa trên các ngân hàng, với tổng dư nợ tái cấu trúc toàn ngành đạt 355.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,9% tổng tín dụng.
Ngoài ra, theo NHNN, hệ thống TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỉ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.
Cho đến nay, tác động của Covid-19 dần dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng. Theo SSI, tỷ lệ nợ xấu bình quân tăng lên 1,77% vào quí 3-2020 từ mức 1,68% trong quí trước đó.
Theo báo cáo của FiinGroup, nếu không có Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, việc có nên kéo dài văn bản hỗ trợ ngành ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp chung thì còn đang còn đang tranh cãi, thảo luận.
Trước đó, các băn khoăn liên quan đến ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính, khi Bộ này vẫn đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng các khoản nợ, từ đó phân loại đúng và trích lập dự phòng đầy đủ nhằm hạn chế rủi ro trong tương lai.
Chia sẻ trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng nếu thực hiện đúng góp ý của Bộ Tài chính thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ tăng lên khoảng 3,51% trong năm 2021 (chỉ tính nợ xấu nội bảng).
Nếu Thông tư 01 hết hiệu lực và không có thêm hỗ trợ, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng, giảm nhóm nợ và doanh nghiệp sẽ ngay lập tức bị liệt vào danh sách nợ quá hạn, từ đó chi phí vay vốn sẽ tăng lên cao, thậm chí nợ xấu đến mức không thể vay vốn nữa.
Ngược lại, từ phía các ngân hàng, việc trích lập ngay lập tức các khoản nợ xấu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và các chỉ số an toàn tài chính. Trên thực tế, các chuyên gia đều cho rằng tác động Covid-19 vẫn chưa thực sự “ngấm” vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do đó, việc bắt buộc trích lập ngay lập tức sẽ tạo ra cú sốc cho các ngân hàng và cả thị trường.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ sửa Thông tư 01 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các tổ chức tín dụng. Ảnh: D.V.
Sửa đổi quy định theo hướng nào?
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN chia sẻ mới đây tại buổi họp báo ở TPHCM, hiện NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các tổ chức tín dụng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho biết Thông tư 01 sửa đổi cũng sẽ được xác định hợp lý trong vấn đề cơ cấu lãi các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
"Sẽ có quy định trích lập trong một thời điểm nào đó, ví dụ trong 3 năm để có thể có thời gian xử lý trích lập cho khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính và thông tư sửa đổi thông tư 01 sẽ sớm ra đời", ông Tú nói.
Như vậy, nhiều khả năng Thông tư sửa đổi sẽ tiếp tục cho phép ngân hàng, tùy theo năng lực và điều kiện tài chính, sẽ có lộ trình xử lý nợ xấu vì Covid-19 kéo dài hơn.
Trên thực tế, việc trích lập dự phòng đang là băn khoăn của nhiều ngân hàng thương mại và quan điểm của các ngân hàng cũng khác nhau. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết ngân hàng ông đã sẵn sàng cho tất cả các kịch bản, kể cả việc ngừng thực hiện Thông tư 01, vì mức trích lập không quá lớn và ảnh hưởng nhiều với ngân hàng.
Báo cáo của SSI cũng nêu rõ trong 9 tháng đầu năm, tổng chi phí trích lập dự phòng ở các ngân hàng niêm yết tăng mạnh 8,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần.
Dù sự ảnh hưởng đến mối ngân hàng là khác nhau, nhưng về tổng thể, với quy mô dư nợ ảnh hưởng lên đến gần 3,9% tổng dư nợ toàn hệ thống thì ảnh hưởng của Covid-19 sẽ là không nhỏ. Đó là chưa kể, nhiều chuyên gia tin rằng việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 sẽ là câu chuyện dài hạn chứ không phải ngắn hạn.
Tuy nhiên, phía các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ quan điểm tích cực khi các khoản nợ phải cơ cấu theo Thông tư 01 đã có dấu hiệu giảm, đặc biệt các khoản vay ngắn hạn. Đây chính là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi sau dịch, theo chia sẻ của một lãnh đạo NHNN. Tương tự, một lãnh đạo ngân hàng cũng nói rằng sau khoảng giữa năm nợ xấu có thời điểm tăng vọt đáng kể thì đến cuối năm, việc xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực hơn khi nhiều doanh nghiệp thực sự đã “vượt khó”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận