Ngân hàng dịch chuyển nhóm nợ để kéo nợ xấu dưới mức 3%
Để kéo tỷ lệ nợ xấu về mức mục tiêu dưới 3%, nhiều ngân hàng dịch chuyển nhóm nợ, tăng mạnh tỷ lệ tín dụng hoặc cho vay thêm để kéo dài thời hạn, đồng thời giảm phần lãi và gốc mà khách hàng phải trả định kỳ.
Quan sát báo cáo tài chính của 12 ngân hàng niêm yết tính đến ngày 25/10 cho thấy, 9 tháng đầu năm hầu hết ghi nhận lợi nhuận trưởng mạnh, nằm ngoài kỳ vọng trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy vậy, tình hình nợ xấu lại có biến động trái chiều. Dưới tác động của Thông tư 04/2020/TT-NHNN, một số ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhưng cũng có thêm nhiều ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.
Hai ngân hàng đang có tăng trưởng nợ xấu cao nhất trong 9 tháng đầu năm là VietBank và ACB. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng đã tăng 58,5% lên 1.244 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu xuất hiện trong quý III (thêm gần 360 tỷ đồng), khoảng thời gian cao điểm của dịch Covid-19. Đứng thứ hai là ACB với số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 là hơn 2.790 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng cao như: Techcombank tăng 41% so với đầu năm, lên mức 1.829 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 74%, các nhóm nợ xấu còn lại cũng tăng trên 20%; BacABank tăng 19%, tương đương 597 tỷ đồng; LienVietPostBank tăng 10% lên hơn 2.700 tỷ đồng…
Tuy nhiên, một số ngân hàng kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu như: TPBank giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 1.378 tỷ đồng, trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ; SeABank đến cuối tháng 9 nợ xấu giảm 3% xuống 1.896 tỷ đồng, nhờ đó tỷ trọng trong dư nợ hạ từ 1,85% xuống 1,68%...
Theo đánh giá của giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn có trụ sở ở Hà Nội (xin giấu tên): “tình trạng nợ xấu trên báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cũng chưa đầy đủ vì thực tế phát sinh cao nhưng đã được các ngân hàng cơ cấu, giãn, hoãn cho khách và vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, phải đến tháng 12 khi các ngân hàng sắp xếp xong các khoản nợ, lúc đó bức tranh nợ xấu mới thấy rõ sự khác biệt”.
Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng đang thận trọng hơn với nợ xấu. Theo lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng này sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu mà không cần tới 3 năm như Thông tư 04. Thời điểm này, đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu lớn nhất với 350%.
Nhiều ngân hàng khác cũng gia tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Chẳng hạn, ACB đã trích hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank 184%; Còn LienVietPostBank dành hơn 887 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2020; TPBank tăng 99% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, trích gần 2.349 tỷ đồng…
Việc ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu không chỉ đảm bảo mục tiêu cả năm cán đích dưới 3%, mà còn làm an lòng các nhà đầu tư, cổ đông và giữ được giá trị cổ phiếu trên thị trường.
Theo tiết lộ của vị giám đốc chi nhánh, để giảm nợ ngân hàng sẽ chuyển những món nợ không được cơ cấu ra ngoại bảng và giữ nguyên nhóm nợ thêm một thời gian. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang tìm cách tăng mạnh tỷ lệ tín dụng để từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, “Trường hợp không “cứu” được bằng cách này, nhưng nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi được nợ và doanh nghiệp cam kết trong thời kỳ thẩm định, tiền chắc chắn sẽ về, ngân hàng chọn cho vay bắt buộc, cụ thể ngân hàng sẽ cho vay thêm để kéo dài thời hạn, đồng thời giảm phần lãi và gốc mà khách hàng phải trả định kỳ”.
Mặc dù các ngân hàng đã đưa ra nhiều cách thức khác nhau để giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng các chuyên gia đánh giá, đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, nợ xấu sẽ “bùng” khi thông tư 04 hết hiệu lực. Vì vậy cần sớm có có hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận