Ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu
Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4.
Theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 4 của FiinRatings, thị trường TPDN ghi nhận 13 giao dịch phát hành với tổng giá trị 13.900 tỉ đồng từ 6 doanh nghiệp và ngân hàng.
Trong đó, Techcombank phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3.000 tỉ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%/năm.
MSB phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.800 tỉ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%/năm.
MBBank phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.000 tỉ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2-6,8%/năm.
Báo cáo cũng cho biết, hoạt động mua lại trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng.
Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10.400 tỉ đồng, tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, trái phiếu ngân hàng chiếm đến 95%, MBBank và Techcombank là các bên đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4.
Theo nhận định của FiinRatings, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4.
Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư, của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý I/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (số liệu của Tổng cục thống kê).
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc DG Capital cho rằng, quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn của mình.
Ngoài ra, hàng năm ngân hàng thường phải phát hành mới đủ để bù đắp lượng trái phiếu mua lại và đáo hạn trong năm. Điểm khác biệt của trái phiếu ngân hàng là lãi suất thấp, nhưng rủi ro thấp do việc phát hành được tuân thủ quy định chặt chẽ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước giám sát. Các tổ chức tín dụng có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi.
Các chuyên gia của tổ chức FiinGroup cũng tin rằng, kênh huy động thông qua trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ sôi động hơn năm ngoái. Theo FiinGroup, hầu hết ngân hàng có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm bổ sung nguồn vốn nợ, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận