menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền trong quý I

Các số liệu thống kê cho thấy hàng loạt ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong quý I, trong đó lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và cho vay cá nhân đều tăng trưởng mạnh.

Tín dụng tăng tốc mạnh

Thống kê chung cho thấy bình quân tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ 5% nhưng báo cáo kết thúc quý I của nhiều nhà băng cho thấy tín dụng bất ngờ tăng tốc.

Thống kê sơ bộ cho thấy tăng trưởng cao nhất là ngân hàng MB với mức 14,8% kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý là tín dụng tăng trưởng ở cả hai mảng là cho vay khách hàng 14,3% và trái phiếu doanh nghiệp 19,5%. MB đã gần chạm mức tín dụng tạm cấp trong quý I và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới, theo Công ty chứng khoán BVSC.

Tương tự, tại Techcombank, tín dụng của ngân hàng tăng 7,9%, tăng đến 2,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng này lý giải dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trên báo cáo tài chính hợp nhất tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, còn dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 18,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là Vietcombank, ngân hàng có quy mô lớn cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao, lên đến 7%. Theo Chứng khoán BVSC, tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ cho vay khách hàng với mức tăng khoảng 7,1%, còn trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,2%. Trong khi đó, Vietinbank gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 (tăng 9% so với đầu năm) với việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự tăng trưởng cao của nhóm các ngân hàng quốc doanh cũng gây nhiều chú ý, theo Công ty chứng khoán SSI, được đánh giá là mức độ tăng trưởng tín dụng “cao chưa từng có” (bình quan tăng 6,4% so với đầu năm) với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, theo SSI, một điểm đáng chú ý là số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng. Tại thời điểm cuối quý I, số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất là ở các ngân hàng Techcombank, MB, VPBank, TPBank và SHB.

Ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền trong quý I
Tăng trưởng tín dụng một số nhà băng trong quý I so với hồi đầu năm. Nguồn: SSI.

Ở khía cạnh khác, sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng cũng khá rõ nét. Chẳng hạn như trường hợp của LienVietPostBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm. Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4, đại diện ngân hàng cho biết trong quý I, ngân hàng giảm dư nợ đối với một số dự án nên tín dụng đi ngang.

Thống kê 15 ngân hàng của SSI cho thấy tín dụng bình quân tháng 1 tăng 7% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 3,4% trong năm ngoái.

Còn tính tới ngày 25/4, tín dụng trên thị trường nói chung tăng 6,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, theo đánh giá của BVSC. Theo đó, tín dụng tăng mạnh khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn, phải liên tục sử dụng tới kênh OMO để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.

Động lực nào cho quý II?

Nhiều nhà phân tích đánh giá động lực tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm là còn rất lớn, trong bối cảnh nhiều giải pháp giúp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch được thực hiện. Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng tín dụng hiện vướng phải câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản.

Ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền trong quý I
Tăng trưởng tín dụng theo tháng so với cùng kỳ. Nguồn: SSI.

Trước đó cuối tháng 3, một số ngân hàng đã phải tạm dừng mở rộng tín dụng, ngừng cho vay lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa nhà để ở như Sacombank hay Techcombank. Hiện nay, có thông tin trên thị trường cũng cho thấy một số ngân hàng vẫn đang hạn chế giải ngân trong bối cảnh kín hạn mức tín dụng.

Tại ĐHCĐ thường niên mới đây, nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về trạng thái cho vay bất động sản với các lãnh đạo ngân hàng. Lãnh đạo các nhà băng cho biết hiện tín dụng bất động sản đang được yêu cầu siết chặt, nhưng một số ngân hàng vẫn khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn để mua nhà ở của người dân.

Cuối tháng 4, Bộ xây dựng dẫn lại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến cuối quý I cho biết dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản là đạt gần 784.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm ngoái, trong khi tăng trưởng chung của nền kinh tế là khoảng 4%.

Tại thị trường TP HCM, theo số liệu mới cập nhật từ NHNN chi nhánh TP HCM, ước tính đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Đến cuối tháng 4, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM gửi văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, đơn vị thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.

Với việc rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu mà đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp bất động, còn người mua chủ yếu là ngân hàng và công ty chứng khoán, được cho là ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới tính riêng trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, tín dụng được kỳ vọng tiếp tục tăng lên và chảy vào lĩnh vực sản xuất, kể cả lĩnh vực cho cá nhân vay mua nhà ở cũng được các lãnh đạo nhà băng nhấn mạnh tầm quan trọng.

Trên thực tế, trong kỳ đại hội vừa qua, báo cáo trước đại hội, nhiều lãnh đạo nhà băng cho biết kết quả kinh doanh của ngành khả quan trong quý I là khả quan, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước vào đà phục hồi sau đại dịch.

Trên thực tế, các số liệu vĩ mô tính tới 4 tháng đầu năm vẫn cho thấy tình hình phục hồi là tích cực. Chẳng hạn như sản lượng công nghiệp tăng tốc 7,5%, doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 12,1% (trước đại dịch thường tăng khoảng 9-12%), giải ngân vốn FDI tăng 7,6%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,5% trong 4 tháng.

Đáng kể nữa là tình hình phục hồi của các doanh nghiệp cũng cho thấy điểm tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%. Tổng số vốn đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trưởng 39,4% trong 4 tháng đầu năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại