menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hồng Nhung

Ngân hàng co kéo với room tín dụng mới

Được nới room với dư địa cho vay khiêm tốn khiến giới ngân hàng phải co kéo và khả năng giải ngân hồ sơ mới là không cao.

Mai Minh (32 tuổi, TP HCM) bất ngờ khi sáng 8/9 nhận được cuộc gọi mời vay tiêu dùng từ nhân viên của một ngân hàng tư nhân - nơi anh đang có tài khoản nhận lương. Trong khi cách đây vài tuần, Minh gõ cửa các nhà băng để vay vốn mua xe cho người thân đều bị từ chối với cùng lý do ngân hàng hết room.

Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu hạt nhựa ở Bình Tân, TP HCM cũng cho biết sáng 7/9 đã được một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 giải ngân 15 tỷ đồng sau nhiều tháng chờ đợi.

Sự thay đổi này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, từ 7/9. "Van" tín dụng được mở khiến nguồn vốn ngân hàng phần nào khơi thông.

Tuy nhiên, không phải tất cả nhà băng đều "có phần". Chỉ 15 trên hơn 35 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh hoặc đi đầu trong việc thực hiện các quyết sách Chính phủ được cấp thêm room. Trong đó gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và 11 ngân hàng tư nhân: Sacombank, HDBank, MB, OCB, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB...

Mức bổ sung lần này cũng được cho là khá hạn chế, dao động từ gần 1% đến 4% so với trần tín dụng cũ. Theo đó, dư địa cho vay mới tối đa của các nhà băng được cấp thêm dao động vài nghìn tỷ đến tối đa 50.000 tỷ đồng (tùy từng nhà băng) trong 4 tháng còn lại của năm.

Với dư địa cho vay khiêm tốn này, giới ngân hàng cho biết phải rất co kéo, tính toán phân bổ sao cho hợp lý và khả năng giải ngân hồ sơ mới là không cao.

Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, nguồn vốn cho vay sẽ được dồn vào các ngành sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán và kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế hoặc chỉ ưu tiên thực hiện những hợp đồng cam kết cấp tín dụng từ trước.

Nói với VnExpress, nhân viên tín dụng của một nhà băng có vốn nhà nước cho hay, sau khi được cấp thêm room, chi nhánh nơi cô công tác vẫn không nhận hồ sơ vay mới, chỉ giải quyết cho các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân.

Nhìn nhận diễn diễn này, các chuyên gia cho rằng room tín dụng mới được cấp phần nào giải toả được cơn khát vốn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng khó lòng đáp ứng hết nhu cầu, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ngân hàng co kéo với room tín dụng mới

Động thái thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc nới room cũng được giới ngân hàng đồng tình.

Tổng giám đốc của một nhà băng tư nhân chia sẻ với VnExpress, doanh nghiệp cần vốn để phát triển, mở rộng kinh doanh nhưng ở góc độ người làm chính sách, có nhiều mục tiêu vĩ mô phải thực hiện trong đó quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát.

Cấp tín dụng cao (tức là tăng cung tiền) và kiểm soát lạm phát là hai bài toán đòi hỏi sự đánh đổi. "Thoải mái trong việc cấp room tín dụng có thể khiến lạm phát mất kiểm soát, từ đó tác động lớn tới người dân, doanh nghiệp", ông nói.

Việt Nam từng trải qua giai đoạn lạm phát lên mức hai chữ số đã đảo lộn hoạt động kinh tế khiến tất cả người dân, doanh nghiệp chịu bất lợi. Từ góc độ ngân hàng, lãnh đạo nhà băng này ủng hộ Ngân hàng Nhà nước khi phải ưu tiên kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế biến động mạnh, nhiều nước phát triển lạm phát đã lên hai chữ số.

Ngân hàng co kéo với room tín dụng mới
Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy

"Room tín dụng hạn chế sẽ khiến ngành ngân hàng đi chậm lại trong giai đoạn ngắn, nhưng đây là điều nên làm", lãnh đạo nhà băng này nói. Theo ông, lùi lại một bước trong ngắn hạn để tập trung nâng cao năng lực là cơ hội để ngân hàng phát triển mạnh hơn khi lạm phát ổn định.

Ông cũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tính toán lại phương án đi vay và đa dạng hoá các kênh huy động khác trong bối cảnh tiếp cận tín dụng khó hơn.

Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng Việt Nam không cần quá lo lắng với vấn đề lạm phát, kể cả khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức 15-16%.

Luận điểm chính của ông Lực là lạm phát ở nước ta chủ yếu do nguyên nhân chi phí đẩy. Vì thế, việc tăng cung tiền thông qua tăng tín dụng 1-2% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành để kiểm soát giá cả. Các nhà băng cũng phải chủ động đảm bảo lượng vốn dồi dào, tránh cuộc đua tăng lãi suất huy động khiến chính sách phản tác dụng.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn năm nay theo ông Lực không có nhiều yếu tố đầu cơ và rủi ro chảy vào chứng khoán và bất động sản như hai năm trước. Điểm khác biệt của năm nay là nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là có thực trong bối cảnh kinh tế phục hồi tích cực. Chi phí đầu vào tăng cao cũng khiến doanh nghiệp phát sinh nhu cầu vốn nhiều hơn để trang trải bài toán chi phí. Vì thế, việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng là tận dụng cơ hội thúc đẩy phục hồi nền kinh tế khi nhu cầu vốn "có thực" lên cao.

Kể cả chưa nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên, theo ông Lực, sau đợt nới "room" lần này, dư địa tăng trưởng tín dụng 14% cả năm chưa được nhà điều hành dùng hết. Theo ước tính của ông, Ngân hàng Nhà nước vẫn để dành dư địa tín dụng 1-2% dự phòng cho nhu cầu phát sinh cuối năm. Nhiều khả năng sẽ còn một đợt nới "room" khác nhưng quy mô không nhiều.

Giữa hai luồng quan điểm giữ nguyên hay nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức 14%, Ngân hàng Nhà nước tới nay được cho là vẫn nghiêng về phương án đầu tiên. Bởi cân bằng giữa hai mục tiêu: tăng cung tiền giải toả vốn phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, là bài toán đau đầu mà nhà làm chính sách phải nâng lên đặt xuống.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả