Ngân hàng chạy đua chuyển đổi số trước giờ G
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt ngân hàng đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nâng cấp app thành siêu ứng dụng.
Cuộc chạy đua 4.0 của các ngân hàng diễn ra ngay trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được mở tài khoản từ xa cho khách hàng.
Cuộc đua ngân hàng 4.0
Ông Đào Minh Tuấn (phó tổng giám đốc Vietcombank)
Chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Vietcombank và đang được ngân hàng thực thi mạnh mẽ. Việc ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank là một dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chuyển đổi số của Vietcombank, giúp mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Theo Vietcombank, thay đổi này nhằm cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên máy tính cũng như thiết bị di động.
Với việc hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, sẽ chỉ còn một tên đăng nhập và một mật khẩu cho dịch vụ VCB Digibank duy nhất. Người dùng sẽ không còn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ song song hai tên đăng nhập và mật khẩu riêng rẽ. Tên đăng nhập VCB Digibank chính là số điện thoại khách hàng đăng ký với ngân hàng, thay vì dãy chữ và số do ngân hàng cung cấp như trước.
Ngoài ra cũng chỉ còn một hạn mức giao dịch trực tuyến thống nhất, lên tới 1 tỉ đồng/giao dịch đối với khách hàng thông thường và 3 tỉ đồng/giao dịch với khách hàng ưu tiên.
Không chỉ được đồng bộ về nền tảng bên trong, toàn bộ giao diện của VCB Digibank trên trình duyệt web cũng như trên ứng dụng di động được ngân hàng thiết kế lại theo một ngôn ngữ thiết kế chung thống nhất. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể dễ dàng cá nhân hóa với nhiều lựa chọn hình nền cho VCB Digibank theo sở thích của mỗi người.
VCB Digibank trên trình duyệt web cũng được trang bị hệ thống nhận diện thời gian đăng nhập để tự động hiển thị các khuôn hình "sáng", "chiều", "tối" theo thời gian thực.
Nhân dịp ra mắt dịch vụ ngân hàng số, từ ngày 16-7 đến hết 16-8 Vietcombank cũng miễn phí các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank được thực hiện trên VCB Digibank đối với tất cả các khách hàng.
Không chỉ Vietcombank, gần đây nhiều ngân hàng khác cũng chạy đua nâng cấp ứng dụng cũng như khuyến mãi để thu hút người dùng. VietinBank cũng ra mắt phiên bản VietinBank iPay Mobile 5.1, đồng thời triển khai chương trình tặng thẻ nạp điện thoại trị giá 30.000 đồng cho 300 khách hàng đầu tiên đăng ký mới và kích hoạt thành công ứng dụng VietinBank iPay Mobile mỗi ngày.
HDBank cũng đặt mục tiêu hướng đến là một ngân hàng số. Trong đó, năm 2020 HDBank xác định là năm bản lề của chuyển đổi số tại ngân hàng này. Trước đó, Ngân hàng Nam Á đã ra mắt không gian giao dịch số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời đưa robot vào phục vụ khách hàng.
Vì sao ngân hàng chạy đua số hóa?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có nhiều lý do ngân hàng chạy đua số hóa ở thời điểm này. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết hiện nay số hóa là xu hướng, vì khi cả xã hội đang hướng đến 4.0 thì ngân hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.
Mặt khác, việc số hóa mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho ngân hàng mà cả khách hàng, nhất là tiết kiệm chi phí, bao gồm cả thời gian và tiền bạc.
Một lý do quan trọng khác là hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23, trong đó điểm mới nhất là sẽ cho phép ngân hàng được mở tài khoản cho khách hàng từ xa, thay vì phải đến ngân hàng như lâu nay.
Đây được xem như cửa ngõ mở vào ngân hàng số, vì khi đó khách hàng có thể mở tài khoản và sử dụng ngay để có thể giao dịch các dịch vụ ngân hàng trên ứng dụng (app). Muốn vậy, ngay từ lúc này ngân hàng phải đầu tư công nghệ để tăng trải nghiệm khách hàng và đó là lý do vì sao gần đây các ngân hàng chạy đua để ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nâng cấp app thành siêu ứng dụng.
Trong khi đó, HDBank cho biết số hóa là giải pháp trọng tâm để đạt các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2020 - 2030 của ngân hàng. HDBank đang đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ, đi trước đón đầu công nghệ 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chuyển đổi công nghệ số thanh toán không dùng tiền mặt hàng tỉ đôla hằng năm.
Bên cạnh đó là phát triển Fintech, ngân hàng số Digital Bank trên nền tảng an toàn, bảo mật, tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến phục vụ 40 triệu khách hàng.
Còn nhiều đất dụng võ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay các ngân hàng đầu tư khá nhiều cho app từ công nghệ đến thuê đối tác và đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng lên app. Người dùng app có thể gửi tiết kiệm, chuyển khoản, thanh toán, đặt khách sạn, mua vé máy bay, vé xe, vé tàu hỏa, vé xem phim, mua thẻ cào điện thoại, thanh toán cho vay tiêu dùng...
Hiện đã có hai ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm mở tài khoản từ xa. Nếu trước đây muốn mở tài khoản, khách hàng phải đem giấy tờ đến trụ sở ngân hàng thì hiện nay khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà, văn phòng... tải ứng dụng ngân hàng. Sau đó thực hiện các thao tác mở tài khoản theo hướng dẫn, xác thực bằng phương thức định danh điện tử (eKYC) với công nghệ nhận diện khuôn mặt và nhận diện giấy tờ tùy thân là có thể mở được tài khoản thanh toán online chỉ trong vài phút.
Với phương thức định danh này, khách hàng có thể sử dụng tài khoản ngay sau khi kích hoạt và được bảo mật như định danh tại quầy, mà không cần phải đến ngân hàng.
Hiện nay, một vài ngân hàng khác đã cho phép nạp tiền ngay tại máy ATM để hoàn tất quy trình khép kín, giúp khách hàng không cần phải đến ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ. Đây chính là đất để các ngân hàng dụng võ nhằm thu hút khách hàng trong thời gian tới.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số. Khi triển khai hoạt động này, các ngân hàng kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải tiến quy trình, thúc đẩy phát triển các dịch vụ mới và giảm chi phí hoạt động.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng. Việc cho phép mở tài khoản từ xa là cách nhanh nhất đưa người dân trở thành khách hàng thường xuyên của ngân hàng và sử dụng các dịch vụ củangân hàng.
Dịch COVID-19 thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số
Khách hàng trải nghiệm VCB Digibank - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các khảo sát được công bố gần đây của các công ty thanh toán quốc tế, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi sau dịch COVID-19, vì vậy việc chuyển đổi số của các ngân hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong khảo sát của Tổ chức thẻ VISA, thương mại châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt, ngay cả khi đại dịch toàn cầu thuyên giảm.
Phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á tham gia khảo sát cho biết kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, việc sử dụng tiền mặt đã giảm đáng kể với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia, Philippines và 59% tại Thái Lan. Cùng với đó, các phương thức thanh toán không tiếp xúc đang ngày một phổ biến hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận