menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
My Lăng

Ngân hàng cấp tập xử lý nợ xấu

Các ngân hàng thương mại đang tích cực xử lý nợ để giảm bớt nợ xấu trong hệ thống

Việc xử lý tài sản để thu hồi nợ không đơn giản trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn

Nợ xấu tăng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng còn khó khăn buộc nhiều ngân hàng (NH) thương mại cấp tập rao bán tài sản thế chấp, tăng trích lập dự phòng tín dụng…

Rao bán đủ loại tài sản thế chấp

NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Bình Dương vừa thông báo phát mại tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở tỉnh Bình Dương của một khách hàng cá nhân, với giá khởi điểm hơn 10,3 tỉ đồng. NH này cũng đang bán đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Goldfish với giá khởi điểm hơn 7,1 tỉ đồng.

Không chỉ bất động sản, Vietcombank Chi nhánh Bắc Bình Dương còn rao bán đấu giá tài sản là máy móc, thiết bị, như dây chuyền sản xuất cà phê các loại của Công ty TNHH Katomi Việt Nam. Vietcombank Chi nhánh Thủ Đức (TP HCM) rao bán đấu giá máy móc, thiết bị của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Cơ khí Việt với giá khởi điểm 1,3 tỉ đồng. Các tài sản này đã được Cục Thi hành án Dân sự TP Thủ Đức kê biên.

Nhiều NH thương mại khác như BIDV, Agribank, VietinBank, VIB, Sacombank… cũng đẩy mạnh rao bán, thanh lý, xử lý tài sản thế chấp như nhà phố, căn hộ chung cư, đất nền, máy móc, thiết bị, nhà xưởng... Dù vậy, không phải tài sản hoặc khoản nợ nào được rao bán cũng tìm được chủ mới.

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán đấu giá lần thứ 50 tài sản bảo đảm của Công ty CP Thúy Đạt, gồm dây chuyền in, máy móc thiết bị trong lĩnh vực may mặc. NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) bán đấu giá khoản nợ lần thứ 14 của Công ty CP Phúc Đạt ở tỉnh Hải Dương. Giá trị khoản nợ hơn 161 tỉ đồng gồm gốc và lãi, trong đó tài sản bảo đảm là hệ thống nhà xưởng, kho chứa nguyên vật liệu…

Cán bộ tín dụng một NH thương mại nhà nước ở TP HCM cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh của khách hàng cá nhân và DN đều khó khăn nên nợ xấu tăng. Công việc chính của ông thời gian qua là lo bán tài sản và khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ chứ không đơn giản là cho vay như trước. Dù vậy, việc xử lý nợ cũng không dễ vì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, giao dịch kém.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trưởng phòng giao dịch một NH có trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết từ đầu quý II đến nay, nợ xấu tăng khá mạnh, phần lớn là nợ mua bất động sản. Các nhân viên tín dụng đang nỗ lực tìm kiếm người vay để giải ngân, tăng dư nợ cho vay nhằm giảm tỉ lệ nợ xấu. Dù vậy, rất ít khách vay mới. Còn khách hàng cũ thì không vay thêm vì hàng hóa tiêu thụ kém.

Nhiều giải pháp hạn chế nợ xấu gia tăng

Trong mùa đại hội cổ đông NH vừa qua, rất nhiều cổ đông của các NH bày tỏ sự lo lắng về nợ xấu tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cả khách hàng cá nhân lẫn DN đều gặp khó.

Anh Thanh Tùng (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho biết có một khoản vay tiêu dùng thế chấp bằng lương tại một NH cổ phần. Tuy nhiên, vài tháng nay, công ty ít việc, thu nhập giảm sút, khoản vay của anh có nguy cơ trở thành nợ xấu. "Nhân viên NH nói không trả nợ đúng hạn sẽ đến nhà làm việc với gia đình, đồng thời nếu để khoản vay thành nợ xấu sẽ tiến hành khởi kiện theo quy định" - anh Tùng lo lắng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho rằng thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện rất đáng lo ngại trong bối cảnh DN khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Số lượng nợ phải cơ cấu, điều chỉnh giảm nợ, chưa chuyển nhóm nợ… không nhỏ và tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu.

"Nếu năm 2022, ngành NH lo lắng về thanh khoản thì năm 2023 đối diện nguy cơ nợ xấu. Trong khi đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản thanh khoản thấp. Lúc này, cần tiếp tục tháo khó khăn, vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý để Sàn Giao dịch nợ của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) phát huy hiệu quả, trở thành thị trường mua bán nợ xấu sôi động" - ông Nguyễn Quốc Hùng gợi ý.

Để hạn chế nợ xấu gia tăng, ngoài việc gia hạn nợ cho khách hàng không quá 12 tháng theo Thông tư 02/2023 của NH Nhà nước, một số NH thương mại đang tìm cách hoán đổi nợ những khách hàng đã vay tại nhiều NH khác với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử, NH V. có trụ sở chính tại Hà Nội vừa phê duyệt hạn mức tín dụng gần 10.000 tỉ đồng cho một công ty chuyên về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Theo đó, NH này mua nợ gần 9.000 tỉ đồng mà công ty kia đang vay nhiều NH khác để trả nợ thay. Những NH này sẽ thu hồi được vốn, hạn chế được nợ xấu tăng lên. NH V. cũng tăng thêm dư nợ cho vay, đồng nghĩa tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống. Riêng DN này sẽ bắt đầu với khoản vay mới tại NH V. với lãi suất thấp, đồng thời trả các khoản nợ tại các NH khác.

Ở góc độ quản lý, NH Nhà nước vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác tín dụng, triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, các NH cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, đa phần các DN đều lỗ sau 2 năm đại dịch. Nếu vẫn duy trì quy định DN lỗ thì NH không được cho vay hoặc nếu cho vay phải trích lập dự phòng rủi ro, các chính sách hỗ trợ rất khó triển khai. Điều này lý giải vì sao các chính sách, quy định ban hành không thiếu mà NH vẫn dư vốn và DN vẫn thiếu vốn.

"Muốn tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đặt ra, cần có những chính sách đột phá. Trước tiên, cần đột phá về tín dụng - vốn là "van đóng mở ôxy" của DN" - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.

Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng dù tỉ lệ nợ xấu có gia tăng nhưng không quá nghiêm trọng. Bởi lẽ, bản chất nợ xấu này không phải do quản trị NH mà do bối cảnh thị trường bất động sản, trái phiếu DN gặp khó. Nhiều NH từng có kinh nghiệm xử lý tốt nợ xấu như Sacombank, Vietcombank, BIDV…

"Chính phủ và NH Nhà nước đã có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, trái phiếu DN nên khi thị trường này "ấm" lên, DN có dòng tiền có thể thanh toán nợ vay cho NH, góp phần giải quyết bài toán nợ xấu" - ông Trương Hiền Phương kỳ vọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại