24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng cấp tập 'đua' tăng vốn, củng cố sức khỏe tài chính

Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt kế hoạch tăng vốn điều lệ đang được cấp tập triển khai nhằm cải thiện các tỷ lệ an toàn, tăng khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Nối dài danh sách

Năm 2022, phần lớn các ngân hàng đều đã trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20 - 40%, thậm chí có nơi còn dự kiến tăng vốn đến 60 - 70%. Các phương án tăng vốn được triển khai thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, từ mức 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022.

Cụ thể, phương án tăng vốn gồm 3 phần: chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:20 với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu và chào bán cổ phiếu ESOP với tổng lượng phát hành là 45,12 triệu cổ phiếu mới. Với mức vốn 36.459 tỷ đồng sau khi hoàn thành, SHB dự kiến sẽ đứng trong Top 3 ngân hàng cổ phần có vốn tư nhân lớn nhất về vốn điều lệ.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)...

Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.900 tỷ đồng; trong đó, tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 1.230 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua. Như vậy, sau khi hoàn tất phương án tăng vốn, Nam A Bank sẽ có mức vốn điều lệ 8.464 tỷ đồng.

Ngoài phương án trên, Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022 của Nam A Bank còn thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chào bán 50 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu tương đương với 500 tỷ đồng và chào bán 160 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng với 1.600 tỷ đồng. Nếu hoàn thành cả 4 cấu phần này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.000 tỷ đồng và đạt mức 10.564 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Còn tại Kienlongbank, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 578 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn, Kienlongbank nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng.

Danh sách tiếp tục nối dài với HDBank khi ngân hàng này cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ lên 25.503 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Như vậy, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Từ đầu năm đến nay, danh sách các ngân hàng thương mại được chấp thuận tăng vốn điều lệ còn có: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng thêm 3.211 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng thêm 6.754 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn thêm 58,8 tỷ đồng lên 13.758 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng…

Chưa dừng lại ở đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mới đây công bố sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại năm 2021 với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 20 cổ phiếu mới. MB cho biết ngày 23/8 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức.

MB hiện lưu hành hơn 3,7 tỷ cổ phiếu. Sau khi hoàn tất trả cổ tức, MB sẽ tăng số lượng cổ phiếu lên hơn 4,5 tỷ đơn vị, vốn điều lệ nâng từ 37.783 tỷ đồng lên hơn 45.339 tỷ đồng.

Ngoài việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho Viettel và phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP.

MB cũng dự kiến chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm 2022 và 2023. Giá chào bán thỏa thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách.

Đáng chú ý, theo kế hoạch tăng vốn điều lệ của 20 ngân hàng được đại hội cổ đông thông qua, dự kiến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ có bước nhảy vọt vào cuối năm 2022 khi sở hữu mức vốn điều lệ "khủng" lên tới 79.334 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ.

Mức vốn điều lệ này đến từ 2 đợt: Ở đợt 1, VPBank phát hành gần 2,24 tỷ cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu vớ tỷ lệ 50%, đưa vốn điều lệ từ 45.057 tỷ lên 67.434 tỷ đồng. Sang đến đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên mức 79.334 tỷ đồng.

Với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng.

Tác động lên tín dụng

Lý giải cho các kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2022, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng gia tăng tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

"Tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước", ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV từng chia sẻ.

Còn theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, cuộc đua tăng vốn sẽ chưa dừng lại, phần lớn nguồn vốn tăng thêm được các ngân hàng bổ sung cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn bị siết chặt.

Mặt khác, đến năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ-trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Đây là quy định được đưa ra tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" và các nội dung tại Đề án.

Theo giới chuyên gia, mục tiêu này cũng là một trong những lí do khiến các ngân hàng dồn dập triển khai kế hoạch tăng vốn thời gian qua và dự báo việc tăng vốn sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam theo thống kê của Fiin Research (bộ phận nghiên cứu và tư vấn của FiinGroup) chỉ ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước trong khu vực. Một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn hầu như không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn của Basel 2.

Có chung nhận định, giới phân tích của Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cho rằng Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây đòi hỏi các ngân hàng cũng phải mở rộng quy mô vốn, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. Các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn. Cả hệ thống sẽ cần bổ sung vốn lên tới 10,7 tỷ USD (tương đương 2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho khoản vay có vấn đề và duy trì hệ số CAR ở mức 10%.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI lại kỳ vọng kế hoạch tăng vốn sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng. Đồng thời, SSI cho rằng tăng vốn thành công cũng sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng, điều mà các ngân hàng đang rất mong chờ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả