Ngân hàng cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng) bảo lãnh 100% tín chấp cho doanh nghiệp, đồng thời có điều kiện mở, theo thủ tục rút gọn.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều sẵn sàng tham gia vào gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng, nhưng cũng thẳn thắn cho biết quy trình cho vay và kiểm soát rất phức tạp, nếu không có cơ chế đột phá, ngân hàng không dám cho vay.
“Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tham gia giải ngân gói tín dụng cấp bù lãi suất năm 2009, song cho đến tận hôm nay, một số khoản vay cấp bù lãi suất từ thời đó vẫn chưa được thanh quyết toán xong, rất mệt mỏi”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.
Thực tế, lâu nay dù nhiều gói vay lãi suất ưu đãi, kể cả cho vay cấp bù lãi suất được tung ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song ngân hàng không nới lỏng điều kiện vay. Lý do là ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi khoản vay, không được làm thất thoát ngân sách. Nếu cho vay dưới chuẩn, khả năng thu hồi vốn, bảo toàn ngân sách sẽ khó khăn và ngân hàng cũng phải đối mặt với nợ xấu tăng cao.
Điển hình, năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Hậu quả là thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, Chính phủ phải thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay: “Hiện nay, các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp trên cơ sở hiệu quả đầu tư (doanh nghiệp phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo và không có nợ xấu). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu áp dụng theo đúng tiêu chuẩn, thì chẳng doanh nghiệp nào tiếp cận được. Nếu không ban hành kèm theo cơ chế đặc biệt thì gói tín dụng ưu đãi này không có tính thực tiễn”.
Thừa nhận thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc triển khai gói tín dụng cấp bù lãi suất phải đưa ra đồng thời với các cơ chế đột phá, nếu không ngân hàng sẽ không dám triển khai. Nếu không có những lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có quyết sách đột phá, thì tình trạng “chết mòn” của doanh nghiệp sẽ còn kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận