Ngân hàng bứt phá từ tái cơ cấu
BIDV vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019, triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2020 với những con số đáng chú ý...
Lợi nhuận riêng lẻ đạt 10.414 tỷ đồng, tăng 16,2%, thị giá cổ phiếu tăng 42,5% so với đầu năm, kết quả kinh doanh 2019 của BIDV góp phần làm sáng thêm bức tranh khối ngân hàng nhà nước chi phối vốn.
Một năm bứt phá
Theo đó, năm 2019 so với 2018, tổng tài sản ngân hàng vọt lên 1.458.740 tỷ đồng, tăng 13,7%, đứng số 1 trong hệ thống tổ chức tín dụng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 10.768 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng đạt 10.414 tỷ đồng, tăng 16,2%.
Một số chỉ tiêu cơ bản khác cũng tăng cao: tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.299.997 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng 12,4%, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành; riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm tỷ trọng 34,1%/ tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ...
Dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng 12,2%; trong đó, huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành. Điều này cho thấy cấu trúc nguồn vốn của ngân hàng phản ánh tính bền vững cao.
Đặc biệt, năm 2019, chứng kiến phi vụ đình đám trong lịch sử mua bán cổ phần của ngành ngân hàng khi BIDV phát hành riêng lẻ thành công cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Qua đó, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống.
Theo phân tích của giới đầu tư chứng khoán, đây là giao dịch mua bán sáp nhập với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam và là giao dịch kép. KEB Hana Bank sở hữu 15% cổ phần của BIDV với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank, bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; quản lý hệ thống công nghệ và ngân hàng số; tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ; đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; quản trị rủi ro; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Nhờ đó, niềm tin vào hoạt động của BIDV từ các nhà đầu tư được củng cố vững chắc, kéo theo thị cổ phiếu BID tăng trưởng 42,5% so với đầu năm.
Trỗi dậy từ mảng bán lẻ
Cũng như các ngân hàng khác trong hệ thống, điểm đáng chú ý từ hoạt động kinh doanh của BIDV trong năm 2019 là nguồn thu từ phi lãi khá ấn tượng. Theo đó, thu dịch vụ ròng của BIDV (không gồm phí bảo lãnh) đạt 4.121 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm trước, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thẻ, bảo hiểm và ngân hàng điện tử...
Ông Nguyễn Chiến Thắng, giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV cho biết, trong các trụ cột kinh doanh cốt lõi của ngân hàng hiện nay thì "ngân hàng số" chiếm vị trí trọng trọng yếu.
Năm 2019, sau khi thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Ngân hàng số, BIDV tập trung nguồn lực, tài chính đẩy nhanh chuyển đổi số hóa các mặt hoạt động ngân hàng tổng thể trên các mặt: xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, YouTube…; Tiếp đó, xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch; chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng.
Đồng thời, triển khai một số sản phẩm sáng tạo cùng đối tác như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại; phát triển ứng dụng BIDV Home; ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo trong các nghiệp vụ…
Với những kết quả như vậy, năm 2019, BIDV tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: "Top 2.000 công ty lớn nhất" năm thứ 5 năm liên tiếp, "Top 400 ngân hàng lớn nhất thế giới", "Doanh nghiệp có chỉ số sức mạnh thương hiệu đứng đầu Việt Nam"; "Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam" năm thứ 5 liên tiếp; "Giao dịch Tài trợ Thương mại cho doanh nghiệp SME tốt nhất", "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc"…
Cũng trong năm 2019, BIDV nộp Ngân sách Nhà nước 8.550 tỷ đồng, đưa con số nộp ngân sách trong 3 năm 2017 - 2019 lên 14.550 tỷ đồng, nằm trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Ngân hàng cũng đã chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng giá trị gần 4.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận