Ngân hàng báo lãi “khủng” dù tín dụng hạn hẹp
Trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn hẹp, các ngân hàng vẫn rầm rộ công bố lợi nhuận quý III/2019 với các con số “khủng”.
Lợi nhuận khủng
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, đến cuối tháng 9/2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, bằng 85,8% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số ROAA, ROAE tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018, cao hơn mặt bằng chung.
Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 12%, đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt hơn 735.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 11 - 13% và lợi nhuận trước thuế 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ của ngân hàng hợp nhất.
Như vậy, chỉ mới 3 quý đầu năm 2019, Vietcombank đã hoàn tất trên 85% chỉ tiêu lợi nhuận, việc vượt kế hoạch trong năm nay là hoàn toàn có cơ sở.
Agribank công bố lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm 2019 đạt 8.820 tỷ đồng, hoàn thành 80,2% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu cho cả năm (11.000 tỷ đồng). Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay, đích đến của Agribank không còn quá xa và khả năng còn vượt kế hoạch năm.
Một số ngân hàng khác cũng dự báo đạt mức lợi nhuận cao trong 3 quý đầu năm, nhưng chưa được hé lộ như Techcombank, VPBank. 7 tháng đầu năm 2019, VPBank đạt 5.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 56% kế hoạch cả năm. Nếu tính riêng tháng 7, mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cũng cao hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018.
TPBank ước lợi nhuận 9 tháng tăng 49% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.400 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm. Năm 2019, TPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2018.
Tham vọng tỷ USD
Với mục tiêu lợi nhuận ở mức 20.000 tỷ đồng được Đại hội đồng cổ đông giao, tăng 9,5% so với năm trước, Vietcombank tự tin sớm cán đích năm nay. Nguồn thu từ bán lẻ và dịch vụ ngày càng được Vietcombank gia tăng mạnh.
Vì vậy, không dừng lại ở mức lợi nhuận cao nói trên, Vietcombank đặt tham vọng đạt lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số, trong đó bán lẻ chiếm một nửa lợi nhuận.
Đứng thứ hai hệ thống về lợi nhuận được thị trường dự báo là Techcombank. Đây là một trong số ít ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng chuẩn mực Basel II. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại thời điểm cuối quý II/2019 của Techcombank theo chuẩn mới đạt mức 15,6%, nên được nới room tín dụng lên 17%.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng tự tin vượt kế hoạch 11.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, khi lợi nhuận trước thuế bán niên là hơn 5.700 tỷ đồng.
Tuy không đạt mức “kỷ lục” về lợi nhuận, song với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 ở mức 2.650 tỷ đồng, Sacombank đã sắp cán đích cả năm. Tính đến ngày 30/9/2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018.
ACB, MB cũng kỳ vọng sớm đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019, lần lượt là gần 7.300 tỷ đồng và hơn 9.500 tỷ đồng. Đây là 2 trong 4 ngân hàng sớm hoàn tất Basel II, được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng (ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%).
Đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ
Đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Trưởng phòng Nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, dù room tín dụng năm nay có phần chặt hơn, song những nhà băng quy mô và sớm áp chuẩn Basel II vẫn được xem xét nới hạn mức tăng trưởng cho vay.
Cùng với đó, các nhà băng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nên lợi nhuận tiếp tục được đánh giá khả quan, song sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng cũng rõ nét hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận