Ngân hàng bán một phần công ty tài chính
Làn sóng thoái vốn của các NHTM tại các công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc được dự báo sẽ sôi động trong năm 2021 với nhiều thương vụ đang được trông đợi.
Bán để nuôi và nuôi để… bán
Trong vòng 5 năm trở lại đây, làn sóng thoái vốn ngân hàng tại các công ty tài chính trực thuộc đã diễn ra khá phổ biến và ngày càng sôi động. Mở màn cho các thương vụ chuyển nhượng công ty tài chính có thể nhắc đến trường hợp HDBank đã chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại HD Finance cho Tập đoàn Credit Saison vào giữa năm 2015. MB sau đó cũng đã bán 50% vốn tại Mcredit cho ngân hàng Shinsei Bank. Tiếp đó Techcombank chuyển nhượng 100% vốn tại Techcom Finance cho Công ty Lotte Card của Hàn Quốc.
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của HDBank và MB thời điểm các đơn vị này bán một phần vốn tại các công ty tài chính trực thuộc có thể thấy động cơ thoái vốn của các NHTM giống như một chiến lược đầu tư nuôi lớn những “con gà đẻ trứng vàng”. Bởi thực tế, trước khi bán vốn cho Credit Saison, chỉ sau gần 3 năm về tay HDBank, Công ty tài chính Société Générale (sau này là HD Finance) từ chỗ chỉ phục vụ khoảng 350.000 khách hàng đã vươn ra khắp 63 tỉnh, thành với số lượng khách hàng tăng lên gấp đôi và lợi nhuận đóng góp đáng kể cho ngân hàng mẹ.
Trong khi đó tại MB, trước khi bán vốn cho Shinsei Bank vào cuối năm 2017, Công ty tài chính Mcredit cũng đã từng là mũi nhọn trong mảng tài chính tiêu dùng của ngân hàng này với các hợp tác lớn trong lĩnh vực thanh toán và vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Mcredit vào cuối 2017 đã đạt khoảng gần 1.300 tỷ đồng, đóng góp khá lớn cho lợi nhuận của MB.
Thế nhưng các thương vụ chuyển nhượng vốn tại các công ty tài chính gần đây có sự khác biệt. Các công ty tài chính lớn như FE Credit của VPBank, FCCOM của MSB, SHB Fiannce của SHB trong suốt giai đoạn 2017-2019 luôn được xem là gà đẻ trứng vàng cho các NHTM sở hữu. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay mức độ tăng trưởng đã bắt đầu chững lại. Chẳng hạn, theo VPBank, các năm trước FE Credit đều đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận ngân hàng mẹ, song năm nay có thể chỉ còn 34% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Để bù đắp các khoản sụt giảm này, các ngân hàng mẹ như VPBank và SHB buộc phải tích cực đầu tư mở rộng sản phẩm, dịch vụ và công nghệ cho các công ty tài chính. Và con đường ngắn nhất để sớm đạt được mục tiêu này là bán bớt vốn cho đối tác ngoại và tận dụng kinh nghiệm cũng như công nghệ của các tập đoàn tài chính nước ngoài.
Năm 2021 đợi các thương vụ lớn
Theo ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay, các thương vụ thoái vốn lớn tại các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng mặc dù được thị trường đón nhận khá hào hứng nhưng đều đang bị hoãn lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trong số các thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, SHB Finance và FCCOM thì hiện nay mới chỉ có MSB cơ bản thống nhất được với Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn tại FCCOM với giá trị khoảng 42 triệu USD. Các thương vụ khác đều chưa lộ diện đối tác nước ngoài tham gia mua lại công ty tài chính.
Mặc dù vậy theo phân tích của nhiều chuyên gia, trong năm 2021 khi vaccin ngừa Covid-19 được lưu hành, hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ sôi động trở lại. Nhiều khả năng trong năm 2021 các NHTM trong nước sẽ đẩy mạnh bán vốn tại các công ty tài chính để tập trung hơn cho chiến lược số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hoàn thiện các chỉ tiêu Basell 2 và cải thiện hình ảnh, thương hiệu.
Công ty chứng khoán VPS nhận định nhiều khả năng các tháng đầu năm 2021, lộ trình IPO đối với HD Saison sẽ được thực hiện vì kế hoạch này đã được HDBank đưa ra từ giữa tháng 6/2020. Tương tự, các thương vụ thoái vốn tại FE Credit, SHB Finance và FCCOM cũng sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài “mua nhanh bán gọn” vì hiện nay theo quy định của NHNN việc xin cấp phép thành lập công ty tài chính tiêu dùng là rất khó khăn. Con đường M&A là con đường ngắn nhất để các đối tác nước ngoài tham gia vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Ngoài ra, trong năm 2021, các công ty tày chính trong nước chịu sức ép từ Thông tư 18/2019/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính) sẽ phải giảm dần tỷ lệ cho vay trực tiếp bằng tiền mặt. Vì thế, việc bán bớt vốn tại các công ty tài chính trực thuộc sẽ chia sẻ bớt tỷ trọng cho vay tiền mặt cho các đối tác tham gia mua vốn tại công ty tài chính. Điều này cũng sẽ khiến các NHTM giảm bớt gánh nặng rủi ro tiềm ẩn trong cho vay của các công ty tài chính khi các công ty này trực thuộc 100% vốn của ngân hàng.
5/6 ngân hàng bán công ty tài chính trực thuộc
Hiện, trên thị trường tài chính Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước, gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính Mcredit của MB, Công ty tài chính Bưu Điện của SeABank. Trong số các NHTM kể trên thì đến hiện nay, duy nhất chỉ có SeABank là chưa có kế hoạch bán vốn tại CTTC Bưu Điện. Số còn lại đều đã, hoặc sẽ bán từ 49-50% vốn điều lệ tại các CTTC trực thuộc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận