Ngăn chặn xe quá khổ, quá tải: Cần tước giấy phép doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm
Liên quan đến công tác xử lý, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải trên địa bàn TP, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến. Ông Tiến cho biết, các DN có nhiều xe vi phạm, tái phạm tự ý thay đổi kết cấu để chở quá tải, cần bị xem xét tước giấy phép kinh doanh vận tải
Ông Lê Xuân Tiến Ông đánh giá thế nào về công tác xử lý xe quá khổ, quá tải của Hà Nội thời gian qua?
- Vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã rất quyết liệt vào cuộc, xử lý mạnh tay, liên tục, nên tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn TP đã giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, do Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu vận chuyển vật liệu, phế liệu xây dựng… rất lớn, nên vẫn có những DN hay cá nhân bất chấp quy định, tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải, gây mất trật tự, ATGT, ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải tiếp tục kiên trì, đấu tranh để kiềm chế và tiến tới xóa bỏ hẳn loại hình vi phạm này.
Thanh tra Sở GTVT đang thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý xe quá khổ quá tải, vậy kết quả đến lúc này như thế nào, thưa ông?
- Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1059/KH - TTS, và kế hoạch tháng cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá tải trọng quy định; các phương tiện tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành thùng xe; xe chở vật liệu rời, đất phế thải gây bụi bẩn mất vệ sinh môi trường giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt khu vực quận nội thành
Qua 2 tuần đầu tiên của tháng 6, Thanh tra GTVT đã kiểm tra, xử lý 423 trường hợp, phạt tiền trên 1,8 tỷ đồng, tạm giữ 12 phương tiện, tước 54 giấy phép lái xe, tem kiểm định... Trong đó có 87 trường hợp xe quá khổ, chở quá tải. 193 trường hợp chở hàng để rơi vãi, lôi kéo đất, cát ra đường; và nhiều loại vi phạm khác của xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Công tác xử lý xe quá khổ, quá tải có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Phải khẳng định rằng, việc xử lý vi phạm đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa luôn luôn có khó khăn, vướng mắc. Nhiều Đội Thanh tra GTVT chỉ có 8, 9 người, trang thiết bị, cân kiểm tra tải trọng còn thiếu, trong khi địa bàn trải rộng với nhiều tuyến đường lớn nhỏ chằng chịt, khiến cho công tác tuần tra, kiểm soát rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều lái xe, chủ xe thường có thái độ chống đối, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý, thậm chí gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng conteiner, nguỵ trang đậy kín để chở cát đá, nhằm qua mắt lực lượng chức năng, dư luận gọi là “xe tải đột biến gen”. Hiện tượng đó đồng thời cũng cho thấy, người vi phạm đang ngày càng sử dụng nhiều “mánh” tinh vi hơn, gây khó khăn hơn gấp bội cho lực lượng chức năng.
Vậy phải làm gì để từng bước đẩy lui, tiến tới triệt xóa hoàn toàn vi phạm xe quá khổ, quá tải?
- Tôi cho rằng, trước hết mỗi lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phải chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; không bao che, dung túng hoặc bỏ qua vi phạm. Phối hợp tốt theo hình thức liên ngành, tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc, xếp hàng hóa… Các Đội trưởng Thanh tra GTVT phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở nếu còn để xảy ra nhiều vi phạm tồn tại trên địa bàn.
Chúng tôi cũng đã đề xuất Giám đốc Sở GTVT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa. Đối với các DN có nhiều phương tiện vi phạm, tái phạm cần xem xét tạm thời tước quyền sử dụng phù hiệu, thậm chí tước Giấy phép kinh doanh vận tải.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của báo chí trong công tác xử lý xe quá khổ, quá tải?
- Báo chí có vai trò rất tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có công tác xây dựng văn hóa giao thông nói chung và xử lý vi phạm nói riêng. Nhờ có báo chí phản ánh chúng tôi có thêm thông tin về vi phạm; hiệu quả công tác, cũng như khó khăn vất vả của lực lượng chức năng được tuyên truyền rộng rãi để Nhân dân biết, cảm thông và chia sẻ.
Phối hợp tuyên truyền có hiệu quả sẽ góp phần tích cực làm chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các chủ DN vận tải, người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải. Qua đó, giảm bớt gánh nặng trong thực thi nhiệm vụ cho lực lượng chức năng nói chung và Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nói riêng.
Xin cảm ơn ông!
Về lâu dài, lực lượng chức năng cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để đưa tin, bài về hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho DN, người lao động về Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GTVT, Quyết định của UBND TP Hà Nội quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kiểm soát tải trọng phương tiện…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận