24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngăn chặn thao túng ngân hàng nhìn từ vụ việc Vạn Thịnh Phát – SCB

Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan, hay giảm tỷ lệ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan… để chống sở hữu chéo, thao túng ngân hàng có thể là biện pháp tốt, nhưng chưa phải là biện pháp tối ưu. Qua thực tế vụ việc Vạn Thịnh Phát – SCB, những người có ý định thao túng ngân hàng đã sử dụng các chủ thể liên quan ngầm, gồm công ty hoặc những cá nhân không nằm trong tầm kiểm soát của các quy định pháp luật liên quan, để nắm giữ cổ phần

Bản chất của sở hữu chéo ngân hàng tại Việt Nam dường như khác với khái niệm sở hữu chéo trên thế giới, đó là giới chủ đứng sau chi phối và nắm quyền kiểm soát, cho vay thân hữu trong một hệ sinh thái. Với bối cảnh trên, việc cho vay trong nội bộ hay trong hệ sinh thái đều không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là đẩy giá bất động sản, đẩy bong bóng tài sản cố định trong nền kinh tế lên cao, tạo ra một khả năng tiềm ẩn trong báo cáo tài chính với dòng vốn ảo.

Trên nghị trường Quốc hội từng có đại biểu đã phát biểu “các ông/bà chủ đứng sau ngân hàng chi phối ai cũng biết nhưng không thể điểm mặt, vì không có chứng cứ”. Do đó, cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn sở hữu chéo như thế nào là vấn đề được đặt ra.

Thị trường tài chính phát triển, sở hữu chéo càng tinh vi

Các chuyên gia cho biết tình trạng sở hữu chéo ngân hàng không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với riêng Việt Nam, tình trạng này đã có những thay đổi theo hướng phức tạp hơn thời gian gần đây, tức không chỉ cho vay với hệ thống các doanh nghiệp thân hữu hay những doanh nghiệp sân sau của giới chủ ngân hàng, mà còn cho vay với người liên quan bên trong ngân hàng, tức những doanh nghiệp có liên quan đến những thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc (TGĐ).

Những doanh nghiệp này, theo TS Hồ Quốc Tuấn – giảng viên Đại học Bristol (Anh), thực chất là trung gian để đẩy dòng vốn cho vay đó vào những công ty liên quan đến giới chủ đích thực của ngân hàng, với minh chứng rõ nhất là hoạt động phát hành trái phiếu thời gian qua.

“Một lô trái phiếu phát hành riêng lẻ lên đến hàng nghìn tỉ đồng, nhưng chỉ có một vài nhà đầu tư không thuộc các định chế tài chính nắm giữ. Đó cũng chính là lý do bằng mọi giá cổ đông lớn phải được ngồi trong ghế HĐQT, để dễ dàng chi phối và cấp tín dụng cho các công ty sân sau của mình”, ông Tuấn phân tích.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng sở hữu chéo không phải mới và cũng xuất hiện ở các quốc gia khác với tên gọi ‘insider lending’, nhưng hiện là vấn đề đáng lo ngại trên thị trường tài chính khi các công ty con liên quan đến các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đi vay tại ngân hàng.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân khiến vấn đề sở hữu chéo ngày càng khó phát hiện và quản lý một phần là do sự phát triển của thị trường tài chính với những định chế mới, phức tạp hơn.

Cụ thể, ở thị trường ở thời kỳ sơ cấp 10 năm trước, các cá nhân, doanh nghiệp đi vay trực tiếp thông qua việc cầm cố tài sản, sau đó chuyển sang cho vay bằng cầm cố cổ phần và TPDN. Nhưng khi thị trường trái phiếu phát triển “nóng” những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng ngân hàng mua TPDN có tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu của ngân hàng, khiến vấn đề sở hữu chéo đã phát triển đến một mức độ tinh vi.

Chẳng hạn, trên thị trường TPDN từng xuất hiện thông tin một doanh nghiệp giữ vai trò cổ đông lớn tại một ngân hàng, có hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị hàng nghìn đồng và được đảm bảo bởi chính lượng cổ phiếu ngân hàng mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Điều này có nghĩa công cụ trái phiếu đã lách được quy định về giới hạn cho vay của một ngân hàng hoặc trích lập rủi ro khi cho vay cầm cố cổ phiếu, theo ông Chí.

Nhưng vấn đề ở đây, theo vị chuyên gia này, là doanh nghiệp giữ vai trò cổ đông lớn tại ngân hàng xem như đã bán đi số cổ phiếu ngân hàng mà họ sở hữu qua hợp đồng trái phiếu, nhưng họ vẫn còn tư cách cổ đông tại ngân hàng.

“Vậy khi doanh nghiệp này cử người vào HĐQT của ngân hàng sẽ chấp nhận rủi ro thế nào?”, ông Chí nếu vấn đề.

Một vấn đề khác cũng được chuyên gia này chỉ ra là “Ai mua lô trái phiếu được phát hành này?”, vì nếu ngân hàng trực tiếp đứng ra mua sẽ dễ dàng bị thanh tra NHNN phát hiện, nhưng nếu một ngân hàng cấp vốn cho một công ty chứng khoán mua lô trái phiếu đó thì khó phát hiện hơn.

“Bản chất đơn giản của dẫn chứng trên là doanh nghiệp giữ vai trò cổ đông lớn góp vốn vào ngân hàng và thế chấp phần vốn góp để vay, do đó cổ đông này không góp vào ngân hàng đồng vốn nào sau khi trừ nợ. Còn phía ngân hàng nhận vốn góp của doanh nghiệp, rồi cho doanh nghiệp vay, nên thực chất ngân hàng cũng không nhận được đồng vốn góp nào”, ông Chí phân tích.

Lúc này, điểm đáng lưu ý là sổ sách khi hạch toán vẫn là hai khoản mục, nhưng vốn chủ sở hữu thật của ngân hàng đã giảm đi nhiều. “Đây cũng là bản chất sở hữu chéo trong các ngân hàng cổ phần. Ngược lại, với ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước thì phần vốn nhà nước sở hữu không thể mang đi thế chấp vay nợ, nên vốn góp ngân hàng vẫn là vốn thực dương”, ông Chí đánh giá.

Tổng kết, chuyên gia này cho biết các công cụ này khiến sở hữu chéo không phải chỉ đơn giản là ngân hàng này sở hữu cổ phần của ngân hàng khác như thời kỳ trước năm 1997 khi Luật Các tổ chức tín dụng ra đời mà đến nay, có cả một hệ sinh thái đằng sau và sử dụng mọi công cụ từ phần vốn góp cổ phần là tài sản trong các ngân hàng cho đến chính cổ phần của cổ đông cũng được mang đi thế chấp.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thị trường TPDN phát triển rất nhanh về quy mô và thanh khoản những năm gần đây, nhưng chủ yếu là chào bán riêng lẻ cho một vài nhà đầu tư lớn. Đồng thời, báo cáo tài chính của một số ngân hàng cũng cho thấy sự gia tăng tín dụng thông qua việc mua trái phiếu.

“Điều này cho thấy sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó”, ông Chí nói.

Thực tế, tại kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ… xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nhận định, sau khi nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, nhằm thâu tóm, thao túng, sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính để huy động tiền thì bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân bản thân tin trưởng, vào các vị trí thuộc Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát.

Với cơ sở này, bà Lan Lan chỉ đạo các nhân sự ở SCB phối hợp với Vạn Thịnh Phát, sử dụng các phương án vay vốn khống để giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma”, hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền nhằm tránh các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết theo dòng tiền.

Kết quả điều tra cho thấy, số tiền được rút ra theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan thông qua một số nhân sự là gần 109.000 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu đô la Mỹ. Các khoản tiền không chỉ từ khoản vay tín dụng, mà còn từ phát hành trái phiếu.

Giải pháp nào cho vấn đề sở hữu chéo?

Để hạn chế tình trạng thao túng ngân hàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó cũng đề cập đến việc quản lý sở hữu chéo tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, kể cả khi áp dụng những quy định dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, vẫn khó có thể xử lý triệt để vấn đề này khi có rất nhiều chiêu trò, biến tướng. Đơn cử, các ông/bà chủ ngân hàng thể sẽ lách quy định về tỷ lệ sở hữu bằng cách tạo ra các doanh nghiệp sân sau và dùng tài sản góp vốn để đi vay có đảm bảo trên thị trường tài chính.

“Các doanh nghiệp ‘sân sau’ rất khó để điều tra và kiểm soát nên điều khoản trong Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi về việc giới hạn cho vay các công ty liên kết của ‘ông chủ’ ngân hàng cũng không có nhiều tác dụng”, ông Lê Đạt Chí nhìn nhận.

Tương tự TS Hồ Quốc Tuấn giá rằng, rất khó để xử lý hoàn toàn vấn đề sở hữu chéo tại ngân hàng. Ngay cả việc đưa thành viên độc lập vào HĐQT các ngân hàng, nếu không có đủ chuyên môn cũng sẽ dễ dàng bị qua mặt.

Thực tế, các ông/bà chủ ngân hàng thường đề cử những người thân tín vào làm thành viên độc lập HĐQT, ngay cả khi cổ đông nhỏ lẻ phản đối cũng không có tác dụng do không đủ phiếu bầu.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Tuấn cho rằng việc lựa chọn thành viên độc lập HĐQT cần có một thể chế khác, không dựa trên số phiếu. Chẳng hạn, ở Đức, họ có đưa ra thể chế một số thành viên HĐQT được bầu vào mà không dựa trên số phiếu từ tỷ lệ sở hữu của các ông chủ. Tuy nhiên, cơ chế này cũng có những hạn chế nhất định nên cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.

Một giải pháp khác được chuyên gia này khuyến nghị là chế tài xử phạt. Cụ thể, tại nhiều quốc gia phương Tây, họ có mô hình cho phép cổ đông nhỏ lẻ kiện cổ đông lớn và không cần toàn bộ cổ đông nhỏ phải đi kiện mà chỉ cần đại diện, nếu cổ đông nhỏ thắng kiện toàn bộ các cổ đông nhỏ khác cũng được đền bù một khoản tương tự.

Vì vậy, giá trị xử phạt của cơ chế này rất lớn nên HĐQT nếu không hoàn thành nhiệm vụ gây tổn thất cho cổ đông lớn sẽ phải chịu đền bù.

“Việc mang mô hình quản trị doanh nghiệp phương Tây vào nhưng không có chế tài xử lý phù hợp thì rất khó đủ tính‘răn đe các doanh nghiệp”, ông Tuấn đánh giá

Bên cạnh hai giải pháp trên, vị này cho rằng nếu phát hiện ra một vụ việc cho vay sân sau thì cần có chế tài xử phạt nặng hơn cả lợi ích họ nhận được. Theo đó, việc bị phạt nặng hơn số lợi mà ngân hàng cho doanh nghiệp sân sau vay sẽ đủ sức răn đe để tránh lặp lại tình trạng này.

Từ nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) góp ý thêm một số giải pháp như NHNN cần có một báo cáo đánh giá về mức độ rủi ro trong sở hữu chéo và công bố hàng năm.

“Những công bố của NHNN sẽ giúp nhân dân và doanh nghiệp biết được, từ đó có những thông tin để phản biện lại. Trong mọi trường hợp, nếu việc giám sát hoạt động kinh tế dựa vào nhân dân, doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả”, ông Thịnh nêu quan điểm,

Còn đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề nghị hạn chế tối đa những nội dung giao quyền lại cho NHNN, cũng như Thống đốc quy định, bởi việc giao quyền này dễ dẫn đến tùy nghi, lạm quyền và khó kiểm soát.

Phản hồi ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luật ở hội trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng để đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, cần phải có một loạt giải pháp mới xử lý được, mà quan trọng nhất là tổ chức thực hiện.

“Qua những sự việc vừa qua, chúng tôi rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp xử lý sở hữu chéo. Tuy nhiên, riêng ngành ngân hàng cũng chưa đủ, bởi vì, nếu cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên, thì việc thao túng cũng không thể xử lý được, nên cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ”, bà Hồng nói và co rằng cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương

Bà Hồng cũng nhất trí với quan điểm của đại biểu là cần minh bạch thông tin để xác thực được các cổ đông là ai và có liên quan thế nào với các doanh nghiệp là khách hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả