menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Thị Thanh

Ngăn chặn kịp thời vi phạm từ gốc

Ngày 8/5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời để ngăn ngừa các vi phạm ngay từ gốc, nhằm tránh được những hậu quả nặng nề.

Nhân dân bức xúc vì cán bộ “giàu lên nhờ đất”

Theo dự thảo báo cáo, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao, vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC; vụ đấu giá đất bất thường và phát hành trái phiếu có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Tân Hoàng Minh…

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, nhân dân rất bức xúc trước việc nhiều cán bộ cấu kết với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích.

“Đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, không để người giàu lại giàu thêm, người nghèo lại thêm nghèo do hành vi làm ăn phi pháp”, bà Liên kiến nghị.

Kết luận Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo để làm sao thể hiện được đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước. Qua đó, kiến nghị những vấn đề xác đáng, giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân.

Qua những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và xử lý thời gian qua, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được làm sớm hơn, bởi vì trước đó một số hiện tượng đã có rồi, dư luận cũng đã nói rồi. Ví dụ như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh… “Phải chăng việc thanh tra, giám sát kiểm tra của ta chưa kịp thời cho nên để xảy ra hiện tượng này?

Công tác thanh tra, kiểm tra cần phải kịp thời và phải được triển khai ngay từ gốc”, ông Nguyễn Phú Bình góp ý. Cùng chung quan điểm, ông Thạch Dư, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, cần có cơ chế, cách thức để ngăn ngừa từ sớm, nếu không sẽ chỉ “chạy theo để chống tham nhũng”. Muốn phòng, chống, theo ông Dư, thể chế phải bảo đảm minh bạch, công khai; để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.

Xử nghiêm hành vi xâm hại trẻ em

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị, dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua, như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TPHCM; hay vụ bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La.

“Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này”, bà Nga nói và đề nghị, các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng nhiều vụ việc diễn ra kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong gia đình bị hại mà còn gây hoang mang cho người dân.

Bà Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại