Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Giao trách nhiệm cụ thể
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, đòi hỏi sự “chung tay” của các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan truyền thông.
Vi phạm ngày càng phức tạp
Trong quý I/2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý 37.414 vụ vi phạm, tăng 123,58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này có 10.720 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 11.815 vụ gian lận thương mại; 14.879 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Điều này cho thấy, mức độ vi phạm hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi và chuyên nghiệp.
Dẫn chứng thêm điều này, ông Vũ Xuân Bính – Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) - cho biết, nhiều đối tượng núp dưới vỏ bọc là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, gia công nhưng thực ra là các mắt xích trong chuỗi cung ứng, lắp ráp, hoàn thiện để đưa hàng giả ra thị trường.
Hiện, giao dịch thương mại ngày càng thuận lợi và đa dạng, nhất là các phương thức giao dịch phi truyền thống, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ là môi trường thuận lợi cho tệ nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoạt động gia tăng. Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, vấn đề vi phạm trong môi trường TMĐT rất đáng quan ngại, kéo theo những vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Những vi phạm này đang ngày càng nhiều và rất khó xác định đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm để xử lý.
Kết nối, chia sẻ thông tin
Thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực song tình trạng hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại khá phổ biến, với quy mô ngày càng phức tạp. Theo ông Vũ Xuân Bính, thực trạng này bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: Nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, người dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, thể chế, chế tài cũng chưa đủ sức răn đe. “Việc ngăn chặn đối với hành vi vi phạm trên TMĐT chưa kịp thời, nhiều đối tượng kinh doanh bị xử phạt vi phạm, sau thời gian lại bán lại. Hàng giả mạo sở hữu trí tuệ rất khó xử lý, tái phạm cũng không bị truy tố” - ông Bính lý giải.
Trước vấn nạn này, nhiều doanh nghiệp cũng có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình. Tuy nhiên, theo ông Lương Văng Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khóa Việt - Tiệp, các doanh nghiệp trong nước rất cần sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, tạo sự công bằng, lành mạnh cho hàng Việt phát triển, đồng thời định hướng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nên giới thiệu những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chân chính để người tiêu dùng hiểu và có nhiều lựa chọn.
Về phía lực lượng QLTT, ông Vũ Xuân Bính cho biết, thời gian tới, Tổng cục QLTT xây dựng và phát triển các công cụ kết nối giữa cơ quan QLTT với doanh nghiệp, người dân để bất kỳ ở đâu, họ đều có thể tố cáo với lực lượng QLTT về hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng triển khai Nhà trưng bày hàng giả, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống vi phạm trên môi trường TMĐT và các giao dịch kinh doanh phi truyền thống (mạng xã hội, thanh toán điện tử…).
Năm 2020, Tổng cục QLTT tiếp tục tập trung đấu tranh, giải quyết triệt để các địa bàn nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố trong Kế hoạch 3972; đặt mục tiêu cụ thể và giao trách nhiệm người đứng đầu quản lý các địa bàn nổi cộm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận