menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Ngăn 'bom nổ chậm' trái phiếu doanh nghiệp

Hi vọng quả "bom" trái phiếu này sẽ không nổ

Được xem là kênh huy động vốn mới bên cạnh vay ngân hàng, nhưng việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) "ba không" nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến mất khả năng chi trả.

Vì vậy cần phải giám sát chặt để không có... "bom nổ chậm"?

TS Lê Đạt Chí - Trường đại học Kinh tế TP.HCM - phân tích cách vận hành của trái phiếu, những "con sâu" trong ruột trái phiếu và giải pháp để có trái phiếu thân thiện với người dân. Ông Chí nói:

- Từ xưa, người này cho người kia mượn tiền, một người đi mượn nhiều người là bình thường, các bên đều dựa trên niềm tin. Khi hệ thống ngân hàng (NH) phát triển với nhiều quy định chặt chẽ, bà con gửi tiền thấy khả năng trả lại sẽ cao hơn nhà hàng xóm nên yên tâm gửi vào.

Rồi cao hơn nữa là thị trường nợ - với trái phiếu, các khoản vay được chia nhỏ thành tờ trái phiếu (giấy ghi nợ) với mệnh giá từ vài trăm ngàn trở lên, nếu cần tiền có thể chuyển nhượng, dù giữ vài ngày cũng được tính lãi. Về bản chất, TPDN không chỉ có lợi cho người nắm giữ mà còn trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh, giúp nền kinh tế vận hành tối ưu. Nhưng nếu có sự lợi dụng, không chặt chẽ thì tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Hiện nhiều TPDN có rủi ro lớn, nên nhiều tổ chức lớn như công ty bảo hiểm thường không mặn mà, chỉ mua số ít TPDN khi thực sự kiểm soát được thông tin tài chính, còn lại họ chủ yếu mua trái phiếu chính phủ dù lãi suất thấp. TS LÊ ĐẠT CHÍ

Tiền lớn và rủi ro không nhỏ

* Cho nhà hàng xóm mượn tiền vì quen biết nhiều năm vẫn có khả năng mất, mua TPDN cũng có khả năng bị "bùng" tiền?

- Ở thị trường sơ đẳng, cho mượn tiền vì biết nhà hàng xóm uy tín cỡ nào, nhìn thấy tài sản tận mắt, ngày ngày đi ra đi vô giám sát được. Thị trường trái phiếu cao cấp hơn, nhưng thời gian qua chưa được kiểm soát chặt. Nhiều DN phát hành trái phiếu (bên vay) mà nhà đầu tư (bên cho vay) không biết chủ DN là ai, tình hình làm ăn ra sao, chỉ tin tưởng người đi bán (NH, công ty chứng khoán).

Phát hành mà không có tài sản bảo đảm thì nguy cơ thành trái phiếu "rác" khi DN lợi dụng lòng tin bán giấy lấy tiền. Bán trái phiếu kiểu này cực kỳ rủi ro, kém chất lượng hơn cả bà hàng xóm cho người cùng làng mượn tiền.

DN huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng có thật vậy hay đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo. Chưa kể, nhiều khi khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.

Ngăn 'bom nổ chậm' trái phiếu doanh nghiệp
Người mua cần cân nhắc trước các loại trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao bất thường - Ảnh: N. PHƯỢNG

* Rủi ro vậy nhưng tại sao nhiều NH vẫn dồn dập mua TPDN, đặc biệt là của DN bất động sản? 9 tháng năm 2021, gần 60% TPDN do NH và công ty chứng khoán nắm giữ, trong đó các NH mua vào tới 124.400 tỉ đồng?

- Một nghi vấn đặt ra là tại sao khi cho ai vay dù món lớn hay nhỏ NH cũng yêu cầu thế chấp tài sản nhưng lại dễ dàng mua tờ giấy TPDN rủi ro cao? Liệu có phải khi nhận thấy DN nào đó không đáp ứng đủ điều kiện để cho vay tín dụng, NH đã "lách" bằng cách đi làm giúp hồ sơ phát hành và mua lại trái phiếu của DN, đi một vòng tiền vẫn đổ về túi DN? Vậy DN "may mắn" hay có phải là "sân sau", "bà con" của NH? Các ông chủ NH là ai và có quan hệ gì mà dễ dàng xuống tiền với DN "may mắn" trên?

Trong chiến lược gia tăng tài sản, nhiều ông chủ nhà băng huy động tiền gửi của người dân rồi cho "người nhà" vay để mở rộng đất đai, gia tăng tài sản cho bản thân. Những nghi vấn này cần phải làm rõ qua thanh tra, giám sát.

* NH, công ty chứng khoán bán trái phiếu cho người dân, vậy khi DN phát hành làm ăn thua lỗ thì có đòi lại được tiền từ bên bán không?

- Nhằm mang đến sự tin cậy cho nhà đầu tư, thông thường các DN sẽ thuê NH hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành. Nhà đầu tư có thể chưa từng biết tên DN phát hành trái phiếu nhưng biết tới NH, hoặc thấy công ty chứng khoán là "con" của NH nên cũng tin tưởng mua.

Trên thực tế, các tổ chức trên chỉ là bên cung cấp dịch vụ, hưởng phí, hoa hồng, chứ không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, toàn bộ trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn đều thuộc về DN phát hành. Nếu DN phá sản thì người dân cắn răng chịu, không thể đòi tiền từ NH, công ty chứng khoán.

Khi tiếp cận tình hình tài chính của DN phát hành trái phiếu, nếu là trái phiếu "ngon", công ty chứng khoán và NH đã mua ngay. Nếu cảm thấy đó là hàng chất lượng không cao, các tổ chức này sẽ không cam kết bảo lãnh phát hành (mua hết số trái phiếu bán không hết) mà chỉ đứng ra làm hồ sơ phát hành để ăn phí. Ai mua người đó chấp nhận rủi ro.

Phải siết quy định

* Vậy làm sao để trái phiếu "ngọt" và thân thiện với người dân, thưa ông?

- Trên thị trường nợ ở các nước phát triển, DN muốn phát hành trái phiếu (vay nợ) phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc đi vay. Tránh việc phát hành quá dễ dàng, trái phiếu "3 không" (không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành) mọc lên nhan nhản.

Chính phủ cần "trừ sâu" trên thị trường trái phiếu, thanh tra kiểm tra, giám sát để thị trường minh bạch, tránh việc NH thương mại bắt tay DN "sân sau" để rồi phát sinh "cục máu đông" nợ xấu khó xử lý. Những trái phiếu do công ty chứng khoán đứng ra phát hành cũng phải có báo cáo rõ ràng để người mua an tâm.

Nếu thị trường TPDN ở Việt Nam được kiểm soát tốt, theo cách làm của nhiều nước phát triển, thì người cao tuổi, hưu trí sẽ chọn và an tâm mua những trái phiếu có tài sản đảm bảo để hưởng lãi suất.

Người mua thường xuyên được "con nợ" báo cáo tình hình tài chính, họ cho vay tiền mà không cần biết mặt mũi "con nợ" vì có cơ quan nhà nước giám sát DN sử dụng tiền có đúng mục đích không. Vì vậy phải hành động để đưa TPDN trở nên thân thiện, an toàn hơn để người dân có thêm kênh đầu tư, bên cạnh gửi tiết kiệm. Điều này cũng giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn, bên cạnh vay NH.

Ngăn 'bom nổ chậm' trái phiếu doanh nghiệp
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại