"Ngấm đòn" Covid-19, nợ xấu ngân hàng phình to
Đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ là 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp vào khoảng 6%, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Báo cáo lợi nhuận quý II/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến thời điểm này, các ngân hàng đang “ngấm đòn” Covid-19. Điều đó thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm, một phần do tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro từ các khoản vay của khách hàng đang gặp khó khăn bởi Covid-19.
Sau hơn 3 tháng dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế đang trên đà hồi phục thì mới đây, Covid-19 đã quay trở lại lần 2. Có thể nói, đây tiếp tục là một “cú đánh” mạnh vào vào nền kinh tế và ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và bị “thấm đòn” bởi Covid-19, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu và bất động sản. Tới đây, nếu dịch bệnh bùng phát mạnh thì tác động của nó sẽ rất khôn lường, nợ xấu sẽ tăng lên rất mạnh.Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu qua hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang… Tuy vậy, việc rao bán nợ xấu ngày càng khó khăn, dù giảm giá mạnh nhưng lượng người mua không nhiều. Thực tế này dẫn đến tình trạng, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đầu năm đến nay, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lên, nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến năng lực trả nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn. Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó thì đương nhiên sẽ đẩy nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên cao.
TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, hiện còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đó là thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, phối hợp của cơ quan thi hành án, nhất là sự vào cuộc của các sở, ban, ngành địa phương chưa quyết liệt.
Đáng nói, nhiều khách hàng có dấu hiệu lợi dụng bối cảnh Covid-19 để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các tổ chức tín dụng khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm còn rất khó khăn. Do đó, thời điểm này, trong khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao lại càng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương.
“Sự tác động của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu. Tiến trình này chỉ có thể được thúc đẩy nhanh hơn khi nền kinh tế vận hành bình thường và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại. Khi đó, năng lực trả nợ của bên vay sẽ tốt hơn. Tiếp đó, quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi nền kinh tế hoạt động bình thường được thúc đẩy nhanh hơn, thị trường thanh lý tài sản đảm bảo sẽ diễn ra nhanh hơn, sôi động hơn và thanh khoản tốt hơn. Hiện nay, những hoạt động này đang diễn ra khá chậm chạp”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng dự báo, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho công ty mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Năm 2021-2022, nợ xấu vẫn có thể xảy ra, bởi vì khi đó, với Thông tư 01 của NHNN, sẽ không cho phép giữ nguyên nhóm nợ nữa thì lập tức nợ xấu sẽ bị tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận