menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Gia Khánh

Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble: Lợi bất cập hại?

Theo trang mạng Formiche.net (Italy) ngày 29/3, chiến thuật của Điện Kremlin trong việc yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble cho nguồn cung khí đốt là không có lợi cho Nga, ngoại trừ trong ngắn hạn.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Carlo Bagnasco chỉ ra “canh bạc” của Nga, kêu gọi phương Tây tiếp tục tăng sức ép và Liên minh châu Âu (EU) cùng nhau làm đầy kho dự trữ của mình.

Ngày 23/3, các thị trường châu Âu đã rung chuyển trước tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ chỉ chấp nhận "các quốc gia không thân thiện" trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.

Sau đó, ngày 28/3, ông Putin đã tiếp tục yêu cầu Tập đoàn khí đốt Gazprom và Ngân hàng trung ương Nga (BoR) chuẩn bị cho việc chuyển đổi thanh toán và sẵn sàng vào ngày 31/3.

Những thông báo như vậy tác động trực tiếp đến chỉ số giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu, vốn đã tăng hơn 5-8 lần so với mức giá năm ngoái. Sự phục hồi kinh tế, cuộc chạy đua giành nguồn tài nguyên và những căng thẳng giữa Nga và Ukraine đều khiến các thương nhân ở thế bấp bênh; họ có xu hướng “nhíu mày” trước mọi diễn biến bất ngờ, chẳng hạn như lời đe dọa ngừng xuất khẩu khí đốt của Điện Kremlin.

Chuyên gia Carlo Bagnasco, một nhà quản lý trong ngành năng lượng và trước đây làm việc tại công ty Gazprom Export ở Italy, chỉ ra rằng yêu cầu của ông Putin là không có lợi, nếu xét theo tiêu chuẩn logic thị trường. Nhưng do biết tâm lý của nhà cung cấp Nga, ông Bagnasco có một lời giải thích rõ ràng hơn.

Theo ông, ngay cả khi giả định rằng việc thanh toán có thể được yêu cầu bằng đồng ruble (mà không cần kích hoạt các điều khoản đàm phán lại hợp đồng, điều sẽ cực kỳ khó khăn cho Nga trong bối cảnh hiện tại), “tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng Nga không thể bỏ qua các khoản thanh toán của châu Âu cho các nguồn cung cấp của mình”.

Điện Kremlin thực sự sẽ không thể từ bỏ khoản tiền 400-500 triệu euro mỗi ngày, mức thu nhập ổn định duy nhất trong một nền kinh tế đang chìm sâu dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt.

Ông Bagnasco cũng chỉ ra rằng việc đàm phán lại các hợp đồng chắc chắn sẽ không có lợi cho Nga. Ông nói, ngay cả khi các quốc gia châu Âu thanh toán cho nguồn cung bằng đồng ruble, họ vẫn sẽ chuyển đổi tiền của mình bằng cách sử dụng tỷ giá hối đoái trong ngày - với đồng tiền của Nga hạ xuống gần với mức thấp trong lịch sử - mà không có bất kỳ sự thay đổi nào về điều kiện kinh tế của bên cung.

Do đó, ông Bagnasco tin rằng động thái của Tổng thống Putin không khác gì “một động thái đầu cơ, được điều chỉnh cho phù hợp với ngắn hạn, để nâng đỡ đồng ruble”. Trong một quyết định được thực hiện nhanh chóng, ông Putin đã khiến các hệ thống kinh tế phương Tây rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi hưởng lợi từ những biến động của thị trường để tăng thu nhập của mình.

Để đối phó, ông Bagnasco cho rằng, phương Tây nên giữ vững lập trường và tiếp tục gây sức ép thông qua các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước đang có dấu hiệu suy yếu rõ ràng. Tuy nhiên, châu Âu vẫn phải cảnh giác. Mùa lạnh có thể sắp kết thúc và nhu cầu khí đốt có thể giảm, nhưng đây là “thời điểm mong manh nhất trong năm, bởi vì châu Âu phải lấp đầy các kho dự trữ và các công ty đang lên kế hoạch mua hàng của họ ngay bây giờ".

Cuộc đấu giá đầu tiên ở châu Âu "không đạt yêu cầu nghiêm trọng" vì tỷ giá cao, khiến việc mua và dự trữ khí đốt không khả thi về mặt tài chính đối với các công ty. Ông Bagnasco nói: “Tôi nghe nói về việc mua chung ở cấp độ châu Âu. Cá nhân tôi không đồng ý vì tôi tin rằng các công ty năng lượng EU có sức nặng cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng việc quản lý công khai, toàn EU đối với các cơ sở dự trữ là điều cơ bản”.

Ông nói thêm rằng việc tách giá điện bán buôn của châu Âu ra khỏi giá khí đốt có thể là quá khó khăn, bởi vì sự khác biệt giữa thành phần năng lượng của các quốc gia không thể đảm bảo một sân chơi chung. Ông nói: “Đó là điều mong muốn nhưng rất phức tạp trong một khung thời gian ngắn như vậy. Tôi thấy có nhiều trở ngại trong hoạt động, đặc biệt là trong việc hợp nhất các thị trường châu Âu”.

Nhà quản lý năng lượng trên tin rằng các giải pháp ngắn hạn nhất thiết phải bao gồm việc kiềm chế giá khí đốt, cụ thể là thông qua việc giảm tiêu thụ và quản lý tình hình địa chính trị. Trong khi đó, việc nghiên cứu tách khỏi (Nga) cũng mang tính chiến lược, đặc biệt là khi nguồn năng lượng tái tạo tăng mạnh trong những năm tới./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả