menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Nhật

Ngà voi tràn cõi mạng

Không chỉ sôi động ở chợ thật, mặt hàng ngà voi còn được rao bán tràn trên cõi mạng. Thật giả chưa rõ nhưng chúng kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng cấm và đẩy loài vật to lớn, thông minh nhất hành tinh vào nguy cơ tuyệt chủng.

Chốt đơn, giao liền

Cùng với sự phát triển của internet, các loại hình kinh doanh phạm pháp (trong đó có ngà voi) được dịp tung hoành. Vào trang mạng xã hội facebook, chỉ cần gõ các từ khóa như “ngà voi” “ngà voi phong thủy”, “trang sức ngà voi”…, chỉ trong vài giây đã hiển thị rất nhiều trang, nhóm liên quan. Có trang để chế độ nhóm kín, nơi để công khai cho bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu, giao dịch. Vào trang “ngà voi phong thủy” tôi như lạc vào ma trận với đủ món đồ trang sức được rao bán. Từ ngà voi nguyên khối thô sơ cho đến loại đã được chế tác thành sản phẩm trang sức như vòng, nhẫn, bông tai, chuỗi ngọc, mặt dây chuyền, vỏ bút, lược chải đầu… Nhiều trang mạng quảng cáo về công hiệu của ngà voi như: Tránh được gió độc, bảo vệ sức khỏe, tránh tà ma, vật cầu may, món đồ sang trọng thể hiện đẳng cấp… Dù đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng thần thánh trên của ngà voi.

Tổ chức ENV kiến nghị, các cơ quan chức năng, đặc biệt lực lượng công an quan tâm nhiều hơn nữa đối với hành vi vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng. Bởi gần đây, nạn buôn bán ĐVHD nói chung và các sản phẩm từ ngà voi nói riêng được rao bán nhan nhản trên mạng. Các đối tượng vi phạm dịch chuyển phương thức buôn bán trong bối cảnh dịch bệnh và các điểm buôn bán truyền thống bị kiểm soát gắt gao.

Để lách chính sách ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) của facebook, quản lý trang nhóm bán hàng cấm này thường dùng biểu tượng con voi, viết cách chữ hoặc để nội dung cụ thể trong phần bình luận để né từ khóa nhạy cảm này. Có những bài đăng rao bán tới vài chục chiếc vòng, chuỗi ngọc, hoặc nhẫn, số lượng tính bằng kg. Giá mỗi món đồ từ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm cho đến tiền triệu, vài chục triệu tùy loại hay sản phẩm bọc thêm vàng, bạc. Nếu khách có nhu cầu nhập hàng sỉ để phân phối, chủ gian hàng ảo sẽ cam kết giảm giá sập sàn. Ở mỗi bài đăng, người bán công khai để lại số điện thoại cho tiện giao dịch, trao đổi. Khi người mua có nhu cầu, chỉ cần để lại tin nhắn trên trang facebook hay nhắn tin riêng, lập tức nhận lại tín hiệu phản hồi.

Hỏi giá 1 chiếc vòng cho nữ giới, tôi được người bán tư vấn, báo giá tận tình. Theo đó, chiếc vòng 7mm có giá 1,9 triệu đồng, còn loại chạm khắc hoa văn giá 2,5 triệu đồng. Người này cho biết thêm, món hàng càng to, được chạm khắc tinh xảo, hay bọc thêm vàng, bạc… sẽ có mức giá cao. Người bán đảm bảo hàng mình bán thật 100% ngà voi. Nếu khách có nhu cầu làm kiểm định sản phẩm ngà voi đó có thật hay không, người bán sẵn sàng đáp ứng với điều kiện phải chi thêm 700.000đồng/sản phẩm tiền phí. Khách đồng ý mua, chỉ cần chốt giá, chuyển tiền, hàng sẽ được giao tới ngay.

Ngà voi tràn cõi mạng ảnh 2

Hàng thật hàng giả rao trên mạng kích thích nhu cầu tiêu thụ

Ở một trang chuyên bán trang sức ngà voi khác, người bán báo giá chiếc nhẫn có kích cỡ 3mm đến 10mm. Loại mỏng nhất có giá 120.000 đồng, cứ thế mức tiền sẽ tăng theo size như 8mm có giá 700.000 đồng. Chủ nhân gian “chợ ảo” này cho biết có đủ mặt hàng, mẫu mã, kích cỡ cho khách lựa chọn, đồng thời cam kết hàng thật 100%, phát hiện giả sẽ đền gấp 10 lần. Nếu khách ưng ý, trong vòng 2-3 ngày sẽ giao hàng tận tay.

Ngà voi tràn cõi mạng ảnh 3

Ngà voi nguyên khối được rao trên mạng xã hội

Khác với trang facebook, zalo chủ yếu đăng hình ảnh, Tik Tok tận dụng lợi thế làm các đoạn video lồng nhạc hấp dẫn người xem. Không chỉ công khai số điện thoại, địa chỉ liên hệ, chủ nhân các kênh Tik Tok rao bán ngà voi còn quay đăng cả hình thật của bản thân để tạo sự tin tưởng “người thật, việc thật” cho khách hàng. Có chủ Tik Tok còn quay nguyên cả chiếc ngà voi dài ngoằng, thu hút rất đông người xem, tương tác. Cứ thế, trên các nền tảng mạng xã hội, nạn mua bán ngà voi cứ thế diễn ra công khai...

Bành trướng trên không gian mạng

Theo thống kê của ENV, từ năm 2005-2021, cả nước xảy ra hơn 21.000 vụ vi phạm liên quan đến các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán ĐVHD. Trong đó, bán lẻ và quảng cáo có tới 13.122 vụ; số vụ vi phạm về ĐVHD trên internet 8.161 vụ. Tại Đắk Lắk, trong vòng 5 năm (2018-2022) trở thành điểm nóng về tình trạng vi phạm ĐVHD với 268 vụ việc (trong đó 160 vụ trên mạng internet), 1.425 hành vi vi phạm. Tình trạng vi phạm về ĐVHD tại tỉnh này phần lớn quảng cáo và rao bán, hiện đang có xu hướng gia tăng dù các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ ĐVHD.

Điều này phần nào được minh chứng qua nội dung mà chúng tôi đã phản ánh ở các kỳ trước khi thực hiện cuộc điều tra nạn buôn bán ngà voi ở 4 tỉnh Tây Nguyên và huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Không chỉ bán tại các cơ sở thực tế, trên mạng rao bán ngà voi tràn lan công khai, xôm tụ không kém.

Các tổ chức bảo tồn cũng như cơ quan chức năng đã từng chỉ ra mạng xã hội đã bị nhóm buôn bán hàng cấm tận dụng như: Việc kinh doanh trên nền tảng mạng đang được miễn phí, người mua người bán dễ liên lạc mà hiếm khi bị lộ danh tính. Người mua chỉ cần lựa chọn sản phẩm, thống nhất giá cả, chuyển tiền vào tài khoản là người bán lập tức chuyển hàng qua đường bưu điện, hoặc dịch vụ vận chuyển nhanh. Trong khi đó, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, hành vi phạm tội trên mạng do các đối tượng giao dịch chớp nhoáng, giấu danh tính, địa chỉ. Thậm chí, với sự hỗ trợ của internet, mọi giao dịch có thể thực hiện xuyên biên giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc, Phụ trách Chương trình Truyền thông và Nâng cao nhận thức cộng đồng của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), thừa nhận nạn mua bán ngà voi trái phép vẫn diễn ra trên thực tế và cả trên mạng xã hội. Chưa bàn đến sản phẩm thật hay giả, việc rao bán hàng cấm công khai đã kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Điều này ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, công tác nỗ lực bảo tồn ĐVHD của Việt Nam; đẩy loài voi vào bờ vực suy giảm, tuyệt chủng.

Nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức cho người dân chung tay bảo vệ ĐVHD tại Đắk Lắk, ngày 30/5/2022, ENV đã thành lập CLB ENV- Buôn Ma Thuột với 32 thành viên, đến từ trường đại học, cao đẳng, trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trần Văn Định, sinh viên Sư phạm Toán K20 (Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên)- Chủ nhiệm CLB trên cho hay, từ khi ra mắt đến nay, CLB mới tổ chức được 1 chương trình triển lãm tuyên truyền bảo vệ ĐVHD nói chung và loài voi nói riêng tại huyện Lắk. Sắp tới (ngày 23/7) CLB sẽ tổ chức triển lãm bảo vệ động vật hoang dã tại quảng trường 10/3. Hiện tại CLB đã có 1 trang page facebook, 1 tài khoản Tik Tok, 1 Instagram để tuyên truyền trên mạng xã hội. Nhóm cũng triển khai gắn các băng rôn tại các sở ban ngành, trường học để tuyên truyền cũng như chiêu mộ thành viên. Định chia sẻ, nhiều hộ dân chưa nhận thức rõ các quy định pháp luật về các vi phạm buôn bán ĐVHD nên chưa mặn mà với việc ký cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ ĐVHD nhất là ngà voi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả