menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vạn Lịch

Nga và Mỹ thỏa hiệp điều gì sau lưng Ukraine?

Với nhan đề "Đàm phán bí mật: Nga và Mỹ nhất trí điều gì sau lưng Ukraine", “Báo chí tự do” - trang mạng đối lập lập ở Nga - cho rằng những nỗ lực ngoại giao của Nga và Mỹ nhằm tìm ra lối thoát cho “bế tắc Ukraine” được gọi là các cuộc đàm phán theo thể loại thư tín.

Hơn nữa, Mỹ thậm chí có thể làm rò rỉ thông tin, bất chấp tính không công khai của các cuộc tham vấn sơ bộ. Nếu phản ứng của Điện Kremlin trở nên quá "nóng" thì Nhà Trắng luôn có thể từ chối ý nghĩa của "các đề xuất bí mật".

Cụ thể, tờ "El País" của Tây Ban Nha đã đăng tải những hồi đáp “bí mật” của Mỹ đối với các đề xuất an ninh mới của Điện Kremlin. Theo các tài liệu này, được đăng tải trên Internet, Washington được cho là đã nói rõ rằng hầu hết các ý tưởng của Nga là không thể chấp nhận được. Nghĩa là “Dù thế nào thì Ukraine vẫn sẽ gia nhập NATO”. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời dứt khoát rằng khi đó nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ tăng mạnh. Ngay lập tức lan truyền thông tin rằng Mỹ được cho là đã sẵn sàng loại trừ việc triển khai thường trực binh sĩ và các hệ thống tên lửa trên mặt đất ở Ukraine nếu Moskva thực hiện các nghĩa vụ tương tự.

Về vấn đề này, một số chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài, cho rằng rất có thể hai bên thực sự có một chương trình nghị sự bí mật nhằm hạn chế tối đa việc mất thể diện trong điều kiện nhượng bộ đang được thảo luận. Thực tế Kiev đang hợp tác nghiêm túc với London và Vacsava để thành lập “NATO tay ba”, không có Washington, đã nói lên rất nhiều điều.

Trang “Frontier Post”, có thể được xem như trọng tài - không thiên về Nga cũng như phương Tây - viết: “Có điều gì khác thú vị không (trong quá trình thương lượng)? Chính xác thì Washington đã phản ứng gì với các đề xuất của Moskva? Liệu đó có phải là câu trả lời ‘không’ cương quyết trước yêu cầu của Moskva không bao giờ để Ukraine và Gruzia gia nhập NATO và rút binh sĩ NATO khỏi biên giới của Nga?”, phóng viên đã hỏi Ngoại trưởng Mỹ Blinken và ông này đã lảng tránh câu trả lời: “Tôi không muốn đi vào chi tiết”.

Ai đó sẽ nói rằng điều này hoàn toàn không có nghĩa lý gì vì Ngoại trưởng đã nói dối. Tuy nhiên, truyền thông nước ngoài, trích dẫn từ những người trong cuộc, đang đưa tin về những tiến bộ trong quan điểm của Nhà Trắng. Đúng vậy, thay vì đảm bảo NATO không mở rộng về phía Đông, người Mỹ đang đưa ra những nhượng bộ nhỏ, hoàn toàn không đáng kể. Tuy nhiên, đây không còn là “không” cụ thể và có lẽ là khởi đầu của những nhượng bộ khác.

"The Wall Street Journal" đưa thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ cũng đang thảo luận về các quy định mới đối với sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen và khả năng Nga kiểm tra các hệ thống tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania. Cả hai đều có thể được coi là phản ứng trước "nỗi sợ hãi" của Điện Kremlin. Thật khó để đánh giá tính chính xác của những thông tin này, nhưng như mọi người vẫn nói, "không có khói làm sao có lửa".

Để hiểu điều gì thực sự thúc đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden, điều hợp lý là nhìn vào tâm lý bầu cử của Mỹ và lập trường của giới tinh hoa Mỹ liên quan đến “vấn đề Ukraine”. Một mặt, có sự bất hòa rõ ràng trong giới quân sự Mỹ. Như "Frontier Post" đã quan sát một cách khéo léo, "dàn đồng ca ầm ĩ của bọn tội phạm, quan chức và các nhà báo tham nhũng không thể át được tiếng nói của những người cho rằng Mỹ không cần thiết phải leo thang căng thẳng và khiêu khích Nga”. Tuy nhiên, vấn đề không phải là sợ Moskva, mà Washington đơn giản là đang tập trung vào vấn đề địa chính trị Trung Quốc. Điều mà giới tinh hoa Mỹ chắc chắn không muốn là chiến tranh trên hai mặt trận.

Mặt khác, một cuộc thăm dò dư luận do Viện Charles Koch ủy quyền cho công ty thăm dò ý kiến YouGov thực hiện cho thấy đại đa số người Mỹ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, trong khi chỉ 27% số người Mỹ được hỏi ủng hộ chiến tranh với Nga để đáp trả việc xâm lược Ukraine”. Will Ruger, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách tại Viện Charles Koch ở Virginia, nhận xét về kết quả khảo sát: “Vào thời điểm thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục, nợ nần chồng chất và lạm phát cao, các chính trị gia Mỹ không nên ngạc nhiên khi người dân Mỹ muốn các đồng minh châu Âu giàu có của chúng ta chi nhiều hơn cho quốc phòng của họ và các chính trị gia của chúng ta ưu tiên các nhiệm vụ đối nội”.

Trong vài tuần gần đây, Mỹ đã công bố một loạt đánh giá phân tích của chuyên gia, những người nhấn mạnh rằng cả Ukraine và Gruzia đều không cần thiết trong khối (NATO). Ai đó thậm chí còn tuyên bố ngay cả các quốc gia Baltic cũng vô dụng đối với liên minh. “Tại sao NATO lại cần toàn bộ Đông Âu, hàm ý của nó là gì nếu Liên Xô, quốc gia từng cần được bảo vệ, đã biết mất cách đây 30 năm?”, người dẫn chương trình rất có tiếng của Fox News Tucker Carlson đặt câu hỏi. Và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, phản ứng trước ý tưởng gửi 5.000 quân Mỹ đến châu Âu, được cho là để chiến đấu bảo vệ Ukraine, bình luận: “Đây là một kiểu điên rồ. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra với tôi”.

Trên thực tế, những quyết định kiểu "cưỡng bức" này không phải là điển hình đối với Biden - chuyên gia thiên về "hậu trường". Thật vậy, sau màn rút lui khỏi Afghanistan, hầu hết các nước thành viên NATO đều công khai tuyên bố Mỹ đã thỏa thuận trước với Taliban về việc rút quân, trong khi các đồng minh được thông báo về điều này sau khi sự việc xảy ra.

Nhìn chung, giờ đây cả Berlin, Paris và London đều không tin tưởng Washington vì tất cả các thủ đô hàng đầu của phương Tây đều có lợi ích quốc gia của riêng họ. Nhưng tất cả các nước này đều coi Ba Lan và Ukraine là vùng đệm, chính xác hơn, là những quốc gia tự sát.

Nếu tổng hợp tất cả các tín hiệu ở các nước về "mặt tối" của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, ta sẽ có ấn tượng mạnh mẽ rằng vị thế của Nga yếu hơn Mỹ. Việc Mỹ cam kết sẽ không đặt căn cứ và tên lửa của họ ở Ukraine không thay đổi bất cứ điều gì. Thay vào đó, nước Anh sẽ làm điều đó. Nga cũng yêu cầu không kết nạp Ukraine vào NATO, và vì vậy dù sao thì Ukraine cũng không được phép ở đó, nếu không tính đến tuyên bố của cá nhân các chính trị gia phương Tây. Liệu có thể gọi đây là sự nhượng bộ của Nhà Trắng đối với Điện Kremlin? Có lẽ là có, bởi vì Mỹ thường đi về phía trước cho đến khi gặp chướng ngại vật. Do đó, từ quan điểm chính thức, hai bên sẽ đạt được một số thỏa hiệp, nhưng công chúng Mỹ có quan điểm bài Nga sẽ hoàn toàn hài lòng với một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, vui mừng vì đồng Ruble tiếp tục suy yếu, cũng như gia tăng bất ổn xã hội ở Nga.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả