Nga và đồng minh có thể điều quân đến đông Ukraine
Liên minh CSTO do Moskva dẫn đầu nói sẽ triển khai lính gìn giữ hòa bình đến vùng Donbass của Ukraine nếu Kiev và quốc tế đồng ý.
"Chúng tôi có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Donbass nếu Ukraine bày tỏ thiện chí, đó là lãnh thổ của họ, cũng như có yêu cầu từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Động thái này sẽ diễn ra nếu cần thiết và quyết định được toàn bộ các chính phủ nhất trí", tướng Stanislav Zas, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cho biết hôm qua.
Tướng Zas khẳng định căng thẳng hiện tại Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. "Tôi không nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường như khi xe tăng nằm trong nhà chứa tại căn cứ và binh sĩ ở nguyên tại doanh trại. Các bên cần hiểu rằng phải ngồi xuống bàn đàm phán và thống nhất về điều gì đó. Đây là thực tế mới", ông cho hay.
Quan chức CSTO khẳng định tổ chức này có khả năng thực hiện các đợt điều động quân quy mô lớn. "Chúng tôi đủ sức triển khai lực lượng theo yêu cầu, dù đó là 3.000 hay 17.000 binh sĩ. Chúng tôi có thể huy động thêm nếu cần", tướng Zas cho hay.
Phát biểu được đưa ra trong lúc giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai ở vùng miền đông Donbass leo thang. Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015.
Nhiều vụ nổ được ghi nhận hôm 18/2 ở hai khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát tại Donbass gồm Lugansk và Donetsk. Phe ly khai cùng ngày thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân chính phủ Ukraine mở đợt tấn công, song không đưa ra bằng chứng. Quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
Hàng loạt vụ nổ chưa rõ nguyên nhân cũng được ghi nhận tại trung tâm thành phố Donetsk đêm qua và rạng sáng nay.
Ngoại ô thành phố Lugansk là một trong các địa điểm tại vùng Donbass trong hai ngày qua hứng chịu giao tranh nặng nề nhất kể từ đầu năm, khiến miền đông Ukraine như một "thùng thuốc súng" có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
CSTO hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức được thành lập trên cơ sở Hiệp ước An ninh Tập thể được ký năm 1992, tiếp nối sự kiện thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) sau khi Liên Xô tan rã.
Liên minh quân sự này có trụ sở ở Moskva, nhưng ghế chủ tịch do các nước thành viên luân phiên đảm nhiệm và mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Các nước thành viên hàng năm tổ chức tập trận chung và không được phép tham gia những liên minh quân sự khác, như NATO.
Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên triển khai lực lượng quân sự tới lãnh thổ của nhau, mua vũ khí theo tỷ giá nội địa của Nga và thiết lập hệ thống phòng không chung.
Tổ chức này hồi tháng trước điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ Kazakhstan ổn định tình hình theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev sau khi biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu bùng phát thành bạo loạn, giúp khủng hoảng tại quốc gia Trung Á nhanh chóng hạ nhiệt.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn lực lượng lớn sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Nga ngày 16/2 nêu ra 5 bước giải quyết xung đột ở Donbass, trong đó có buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk và dừng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Nga còn kêu gọi phương Tây rút cố vấn quân sự và dừng mọi cuộc diễn tập giữa Ukraine với NATO, sau đó thu hồi toàn bộ khí tài nước ngoài được chuyển tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận