Nga - Ukraine căng thẳng giữa lệnh ngừng bắn đầu tiên
Nga tuyên bố chiến dịch quân sự vẫn diễn ra ở Ukraine, dù hôm qua thông báo ngừng bắn một phần và mở hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường ở hai thành phố.
Ngừng bắn nhưng vẫn tiếp tục chiến sự
Hãng tin RIA dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 5.3 cho hay binh sĩ nước này tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, đánh dấu ngày chiến sự thứ 10. Phía Ukraine khẳng định lực lượng Nga đang tập trung nỗ lực bao vây thủ đô Kyiv và Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine. Hôm qua có tiếng nổ có thể được nghe thấy từ trung tâm Kyiv. Cùng ngày, Reuters dẫn lại thông tin từ báo Suspilne cho hay giới chức ở TP.Sumy, cách Kyiv khoảng 300 km, cảnh báo có nguy cơ giao tranh trên các con phố, đề nghị người dân ở yên trong những nơi trú ẩn. Nga chưa có phản ứng về thông tin này.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các lực lượng nước này đã ban bố lệnh ngừng bắn tại 2 thành phố Mariupol và Volnovakha vào lúc 10 giờ ngày 5.3 (theo giờ Moscow) và mở các hành lang nhân đạo để người dân sơ tán, theo Hãng tin Interfax. Hiện không rõ lệnh ngừng bắn này kéo dài bao lâu, trong khi RIA dẫn lời giới chức Mariupol cho hay công dân trong thành phố được phép sơ tán từ 12 - 17 giờ cùng ngày. Chính phủ Ukraine cho hay có kế hoạch sơ tán khoảng 200.000 người từ Mariupol và 15.000 người từ Volnovakha. Tuy nhiên, giới chức Ukraine sau đó nói họ dừng kế hoạch sơ tán ở Mariupol, viện dẫn rằng Nga vi phạm lệnh ngừng bắn đã được nhất trí trước đó khi tiếp tục nã pháo ở Mariupol và khu vực xung quanh, theo CNN. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không ai lợi dụng 2 hành lang nhân đạo ở Mariupol và Volnovakha, cáo buộc “những người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc” cản trở dân thường sơ tán, theo Reuters dẫn lại thông tin từ RIA.Trước đó cùng ngày, Thị trưởng Vadim Boychenko của TP.Mariupol (Ukraine) viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng lực lượng Nga đang bao vây thành phố cảng chiến lược này sau nhiều ngày tấn công, theo AFP. Mariupol nằm gần biển Azov, có khoảng 450.000 dân. Hôm 3.3, giới chức Ukraine xác nhận lực lượng Nga đã kiểm soát TP.Kherson thuộc miền nam Ukraine, trở thành trung tâm đô thị quan trọng đầu tiên rơi vào tay quân đội Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ngày 24.2, theo AFP. Kherson được xem là thành phố cảng chiến lược, gần Biển Đen, với 290.000 dân.
Hôm 3.3, trong cuộc đàm phán thứ 2 ở Belarus, Nga và Ukraine đã đồng ý thiết lập hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự, giữa lúc có thông tin hàng trăm người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải sơ tán vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nga chưa bình luận về thông tin thương vong của dân thường, nhưng luôn khẳng định chiến dịch quân sự không nhằm vào mục tiêu dân sự ở Ukraine.
Lập trường của phương Tây
Giữa lúc xung đột Nga - Ukraine đang căng thẳng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4.3 bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28.2 về việc lập vùng cấm bay để ngăn chặn tên lửa và chiến đấu cơ từ Nga. “Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này”, ông Stoltenberg phát biểu khi bác bỏ đề nghị của ông Zelensky, theo Reuters. “Cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là điều chiến đấu cơ NATO vào không phận Ukraine rồi áp đặt vùng cấm bay bằng cách bắn hạ máy bay Nga. Nếu chúng tôi làm điều đó, chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng chiến tranh chính thức ở châu Âu, liên quan nhiều quốc gia hơn và gây ra thêm đau khổ cho nhiều người”, ông Stoltenberg giải thích sau cuộc họp của NATO.
Đáp lại, Tổng thống Zelensky chỉ trích mạnh mẽ quyết định của NATO, cáo buộc liên minh này đã bật đèn xanh cho Nga tiếp tục chiến dịch ném bom. “Dù biết rằng sẽ có thêm các cuộc không kích và thương vong, NATO cố tình quyết định không đóng cửa không phận Ukraine. Những người chết từ hôm nay cũng chết vì quý vị, vì sự yếu đuối của quý vị, vì sự mất kết nối của quý vị”, Tổng thống Zelensky phát biểu trong một đoạn video.
Tuy không lập vùng cấm bay và không đưa quân đến Ukraine, các nước thành viên NATO gần đây đã triển khai hàng ngàn binh sĩ đến sườn phía đông của khối và đang gửi vũ khí để hỗ trợ Ukraine phòng thủ. Đài CNN còn đưa tin một số máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H của Mỹ ngày 4.3 diễn tập cùng với lực lượng Đức và Romania tại cánh đông của NATO. Cuộc diễn tập của oanh tạc cơ B-52 ở Romania đồng nghĩa với việc Mỹ triển khai oanh tạc cơ đến rìa các nước NATO, tiếp giáp với không phận Ukraine.
Ngoài ra, phương Tây còn đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga vì chiến dịch quân sự của nước này ở Moscow. “Rất rõ ràng rằng chúng tôi sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp nặng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không dừng lại...”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm 4.3. Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định các đồng minh sẽ duy trì sức ép lên Nga cho đến khi chiến sự kết thúc, theo AFP. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Moscow đối với những động thái và tuyên bố trên. Hôm 1.3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các lệnh cấm vận của phương Tây sẽ không bao giờ làm thay đổi lập trường của Moscow về Ukraine, theo Reuters.
Mỹ, Nga lập đường dây liên lạc trực tiếp
Lầu Năm Góc ngày 4.3 thông báo quân đội Mỹ và Nga đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp nhằm giảm nguy cơ “tính toán sai lầm”, trong lúc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, theo AFP. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho hay “đường dây giảm nguy cơ xung đột” giữa Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và Bộ Quốc phòng Nga đã được thiết lập trong tuần này.“Chúng tôi biết nó hoạt động. Khi chúng tôi kết nối thử, đầu dây bên kia có người bắt máy và xác nhận đã nhận được cuộc gọi”, ông Kirby cho biết thêm. Ông còn lưu ý một “đường dây giảm nguy cơ xung đột” từng được Mỹ và Nga sử dụng để ngăn chặn các sự cố không mong muốn ở Syria.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận