Nga tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine, Mỹ và phương Tây vẫn đòi bằng chứng
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ vẫn chưa xác minh một số đơn vị quân đội của Nga đang rút khỏi khu vực biên giới với Ukraine và quay trở về căn cứ bất chấp tuyên bố của Moscow về việc rút quân.
Phát biểu của ông Biden nhắm trực tiếp đến Tổng thống Putin
Tuy vậy, với một loạt tín hiệu từ Moscow, Washington và châu Âu vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng chiến tranh có thể được ngăn chặn, ít nhất là vào lúc này.
Tổng thống Biden nhấn mạnh “sẽ rất tốt” nếu Nga rút các lực lượng của nước này, nhưng “chúng tôi vẫn chưa xác minh điều đó”. Song ông lưu ý: “Các nhà phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng Ukraine vẫn trong tình thế bị đe dọa, khi Nga có hơn 150.000 binh sỹ xung quanh Ukraine, gia tăng đáng kể so với con số ước tính trước đó là khoảng 130.000 người”. Và như vậy, “một cuộc tấn công vẫn có thể xảy ra”.
Ông cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ và các đồng minh sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và dẫn tới sự cô lập Nga trên toàn cầu. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức có thể bị hủy bỏ nếu Nga thực hiện động thái này.
“Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra”, Tổng thống Biden nói
Theo Reuters, phần lớn tuyên bố của ông Biden nhằm vào Tổng thống Nga Putin – người luôn yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và dừng việc mở rộng khối về phía Đông.
“Mỹ và NATO không không phải là mối đe dọa đối với Nga. Ukraine không đe dọa Nga. Cả Mỹ và NATO đều không có tên lửa ở Ukraine. Chúng tôi cũng không có kế hoạch đặt chúng ở đó. Chúng tôi không nhắm vào người dân của Nga. Chúng tôi không tìm cách gây bất ổn cho Nga", ông Biden nói thêm.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Biden cũng trực tiếp gửi lời nhắn nhủ với người dân Nga: “Đối với người dân Nga, các bạn không phải là kẻ thù của chúng tôi và tôi không tin rằng mọi người muốn có một cuộc chiến tranh hủy diệt đẫm máu nhắm vào Ukraine”.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố của Tổng thống Biden cho thấy sự thay đổi phần nào lập trường so với những cảnh báo đáng lo ngại nhất của các quan chức trong chính quyền ông. Cố vấn an ninh an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước dự báo, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể sắp xảy ra.
Tổng thống Biden tin tưởng rằng các bên đối đầu có thể tìm thấy lối thoát ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Ông cho biết, ông đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin vào cuối tuần qua để “nói rõ rằng, Mỹ sẵn sàng tiếp tục theo đuổi các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao nhằm đạt được sự hiểu biết chung được thể hiện dưới dạng văn bản giữa Nga, Mỹ và các nước châu Âu để giải quyết những mối lo ngại chính đáng về an ninh, nếu đó là mong muốn của phía Nga”.
Ông cho hay, Nga cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán. “Chúng ta nên tạo cho ngoại giao các cơ hội để thành công. Tôi tin rằng có những cách thức thực sự để giải quyết mối lo ngại về an ninh của cả hai bên”, ông Biden nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc lại cam kết không điều binh sỹ Mỹ đến Ukraine tham chiến.
Hoài nghi của phương Tây
Quân đội Nga hôm qua (15/2) thông báo rằng, một số đơn vị của Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam đang chất thiết bị lên tàu hỏa để trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. Điều này phù hợp với thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng một số cuộc tập đã kết thúc và một số cuộc tập trận khác cũng sẽ sớm kết thúc.
Sau tuyên bố của Nga về việc rút quân, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg cho biết, mặc dù ông không thấy có bằng chứng cho thấy sự rút quân “đáng kể và lâu dài” của các lực lượng Nga nhưng động thái mới nhất cho thấy Moscow muốn hạ nhiệt căng thẳng và gửi đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cho biết, họ không tin vào tuyên bố của Moscow về việc rút quân. “Rất nhiều tuyên bố liên tiếp được đưa ra từ phía Nga, nhưng chúng tôi có một quy tắc đó là chỉ tin khi tận mắt chứng kiến. Nếu chúng tôi thấy được Nga rút quân thì chúng tôi sẽ tin tưởng vào nỗ lực giảm leo thang.
Theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng các nước đồng minh trong NATO để thảo luận về hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine.
Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, việc phương Tây hoài nghi về tuyên bố rút quân của Nga là điều hợp lý. Konrad Muzak, giám đốc công ty tư vấn Rochan có trụ sở tại Ba Lan cho biết, có rất nhiều báo cáo trên mạng xã hội cho thấy Nga đang chuyển trang thiết bị bổ sung tới một số khu vực ở Bán đảo Crimea và Belarus.
“Việc Moscow rút quân sẽ là một diễn biến đáng hoan nghênh. Nhưng khi nhìn vào những diễn biến trước đây trong cuộc khủng hoảng Ukraine thì dường như đó là một chiến thuật đánh lừa”.
Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cáo buộc phương Tây đang tạo ra “những thông tin điên rồ”. “Chúng tôi từng nói rằng quân đội sẽ trở về căn cứ sau khi cuộc tập trận kết thúc và việc rút quân đã cho thấy điều đó”.
Trong khi người phát ngôn Bộ ngoại giao Maria Zakharova nêu rõ: “Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử vì là mốc thời gian cho thấy sự tuyên truyền chiến tranh của phương Tây đã thất bại”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận