Nga 'thiệt hại lớn' vì lệnh trừng phạt phương Tây
Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng bởi lệnh trừng phạt phương Tây và các doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường, theo nghiên cứu của Đại học Yale.
Báo cáo về nền kinh tế Nga được các chuyên gia kinh tế và kinh doanh tại Đại học Yale, một trong những đại học lâu đời nhất ở Mỹ, công bố cuối tháng 7. Jeffrey Sonnenfeld, chủ tịch Viện Lãnh đạo Giám đốc Điều hành Yale, đã cùng các thành viên của viện nghiên cứu để đưa ra báo cáo này.
Theo báo cáo, dù Nga có thể đã thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu giá cao, phần lớn dữ liệu chưa công bố cho thấy hoạt động kinh tế trong nước của Nga đã đình trệ từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Chúng tôi đã phân tích toàn diện nền kinh tế Nga và tìm ra những phát hiện không thể chối cãi: Các biện pháp trừng phạt và việc doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường Nga không chỉ hiệu quả mà còn làm tê liệt nền kinh tế Nga ở mọi cấp độ", báo cáo dài 118 trang có đoạn.
"Sản xuất nội địa của Nga đã đình trệ hoàn toàn, không còn khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài đã rời đi", các chuyên gia Đại học Yale cho biết thêm.
Do Moskva ngừng công bố số liệu thống kê kinh tế chính thức, trong đó có các chỉ số thương mại quan trọng, nhóm của Sonnefeld đã khai thác dữ liệu từ các công ty, ngân hàng, tổ chức tư vấn, đối tác thương mại của Nga và những đơn vị khác để xây dựng bức tranh về hoạt động kinh tế Nga.
Họ cho hay đã thu được nhiều dữ liệu chưa công bố từ các chuyên gia về kinh tế Nga, đồng thời sử dụng dữ liệu từ ngôn ngữ khác để chứng minh cho kết luận của mình.
Họ nhận định khoản ngoại tệ mà Nga thu được từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ không bù đắp được tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc Nga phụ thuộc vào châu Âu, đối tác mua 83% năng lượng xuất khẩu, khiến Moskva đối mặt nguy cơ lớn hơn về trung hạn.
"Nga phụ thuộc nhiều vào châu Âu hơn là châu Âu phụ thuộc vào Nga", các chuyên gia nhấn mạnh.
Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tổng thống Vladimir Putin khi đó đã thúc đẩy chương trình thay thế một số mặt hàng nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa và tăng cường dự trữ tài chính.
Nhưng ngành công nghiệp của Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài và nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào công nghệ cao mà Nga chưa làm chủ được như chất bán dẫn.
Báo cáo chỉ ra các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn của phương Tây sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khoét sâu vào hai lỗ hổng này. Theo đó, khoảng 1.000 công ty nước ngoài đã dừng hoạt động ở Nga, ảnh hưởng tới khoảng 5 triệu việc làm. Sản lượng công nghiệp sụt giảm, doanh số bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng của Nga đã giảm với tốc độ 15-20% mỗi năm.
Các chuyên gia Đại học Yale cho hay nhập khẩu của Nga cũng giảm mạnh, trong đó các mặt hàng quan trọng nhập từ Trung Quốc giảm hơn một nửa, điều được thể hiện rõ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ôtô. Doanh số bán ôtô tại Nga đã giảm từ 100.000 chiếc một tháng xuống 27.000, sản lượng đình trệ do thiếu linh kiện, phụ tùng lắp ráp.
Do không thể tiếp cận linh kiện nhập khẩu, các nhà sản xuất Nga đang chế tạo những chiếc ôtô không có túi khí hoặc phanh ABS hiện đại và chỉ được trang bị số sàn.
Báo cáo của Đại học Yale bác bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế Nga đang "sống tốt" nhờ hàng chục tỷ USD thu được mỗi tháng từ xuất khẩu dầu và khí đốt.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay nền kinh tế Nga vận hành tốt hơn dự kiến do tăng thu từ năng lượng và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia Đại học Yale cho hay dữ liệu cho thấy doanh thu từ năng lượng của Nga đã giảm trong ba tháng qua.
Theo họ, nếu Tây Âu thành công trong việc ngừng sử dụng khí đốt Nga, Moskva sẽ đối mặt với tình huống nan giải là thiếu thị trường cho mặt hàng quan trọng này. "Bất kỳ sự sụt giảm nào về doanh thu hay sản lượng dầu khí sẽ lập tức gây căng thẳng cho ngân sách Điện Kremlin", báo cáo có đoạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận