Nga thích nghi với thực tế kinh tế mới
Người tiêu dùng Nga thích nghi với thực tế kinh tế mới trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24.2.
Tình hình thực tế
Sau một tuần Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraina, đồng rúp lao dốc, lạm phát và lãi suất tăng vọt, các nhà cung cấp nước ngoài cho mọi thứ từ thực phẩm đến ôtô tuyên bố ngừng kinh doanh ở Nga. Cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu, 7 trong số những ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga hiện bị cấm khỏi hệ thống liên ngân hàng quốc tế SWIFT.
Bà Elmira, 48 tuổi, làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Ufa thuộc vùng Urals, cho biết: “Nghe có vẻ lạ lùng nhưng nói chung không có sự hoảng loạn tại các cửa hàng hoặc máy ATM. Rõ ràng là không có giải pháp dễ dàng nào, nhưng tôi không định chạy đi mua euro hoặc USD hoặc kiếm thứ gì đó chỉ để tiêu tiền".
Khả năng phục hồi của các hộ gia đình là rất quan trọng với nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỉ USD của Nga, vốn dựa trên chi tiêu của người tiêu dùng cho hơn một nửa tất cả các hoạt động.
Ngân hàng trung ương Nga đã lệnh thực hiện một loạt các biện pháp, từ tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% trong một động thái khẩn cấp nhằm đóng băng giao dịch cổ phiếu trong nước kể từ 25.2. Nga cũng tạm thời cấm người nước ngoài thoái vốn tài sản Nga và lệnh cho các nhà xuất khẩu bán 80% thu nhập ngoại tệ.
Tuy nhiên, những động thái này cũng dẫn tới những tác động khác. Nhà kinh tế học Nga Ivan Tchakarov của Citigroup nhận định, nền kinh tế Nga có thể giảm 3-5% nếu xuất khẩu năng lượng được phép tiếp tục. Ông chỉ ra, gián đoạn nguồn cung sẽ có tác động đến lạm phát thậm chí còn lớn hơn cả việc đồng rúp mất giá.
Các hãng hàng không Nga đã bị cấm hoạt động trên phần lớn không phận Châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi hơn một nửa đội bay của Nga có thể bị cấm hoạt động do các lệnh trừng phạt khiến việc cho thuê máy bay không thể thực hiện.
Trong dấu hiệu đầu tiên về làn sóng lạm phát do chiến sự gây ra, tăng trưởng giá hàng tuần tăng gần gấp đôi lên 0,45% trong 7 ngày kết thúc vào 25.2, ngay cả trước khi các gói trừng phạt khắc nghiệt nhất với Nga được công bố.
Với triển vọng nhập khẩu không rõ ràng, X5 Retail Group NV, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Nga thông tin, các cửa hàng của hãng đang dự trữ tới 2 tháng với kiều mạch và các mặt hàng chủ lực khác ở một số khu vực để đáp ứng nhu cầu.
Cơ quan Chống Độc quyền Liên bang Nga thông tin ngày 1.3, một số hệ thống siêu thị hàng đầu đã đồng ý giới hạn mức tăng giá ở ngưỡng 5% với các mặt hàng quan trọng về mặt xã hội. Tuy nhiên, các chi phí khác đang tăng vọt. Ông Boris Ovchinnikov, đồng sáng lập của Data Insight, thông tin: “Giá hàng điện tử và hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đã tăng trung bình 20-30% kể từ đầu tuần trước.
Dự báo tương lai
Thủ tướng Mikhail Mishustin phát biểu ngày 1.3 rằng Nga đã chuẩn bị cho mối đe dọa trừng phạt trong nhiều năm. Dù vậy, cấp phó của ông, Phó Thủ tướng Yuri Borisov lưu ý, quy mô các lệnh trừng phạt là khó dự đoán, Interfax đưa tin ngày 2.3.
Thu nhập của Nga đã chịu ảnh hưởng từ năm 2014, khi giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea khiến đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục. Điều đó có nghĩa là khả năng đối mặt với cú sốc của làn sóng lạm phát mới nhất của Nga sẽ yếu hơn, Bloomberg lưu ý.
Hiệu ứng việc rút 1,4 nghìn tỉ rúp (14 tỉ USD) chỉ riêng trong ngày 25.2 với các ngân hàng Nga có thể cần thời gian để thấy rõ. Trong cuộc khủng hoảng đồng rúp năm 2014, phải mất vài tuần trước những ngân hàng lớn nhất mới thấm tác động. Kể từ đó, ngân hàng trung ương Nga dưới thời Thống đốc Elvira Nabiullina đã dành nhiều năm để loại bỏ các tổ chức vốn hóa thấp hơn, và lĩnh vực ngân hàng đã được chuẩn bị tốt hơn trong khoảng thời gian này.
Theo Tomasz Noetzel của Bloomberg Intelligence, các ngân hàng Nga đã khai thác khoảng 60 tỉ USD quỹ repo (thỏa thuận mua lại) trong ngày 1.3, chiếm gần 10% tổng số tiền gửi của đất nước, dấu hiệu cho thấy thanh khoản phải chịu sức ép như thế nào.
Để ngăn tình trạng cạn kiệt tiền mặt, Alfa-Bank, công ty cho vay tư nhân lớn nhất của Nga, đã tăng lãi suất tiền gửi bằng đồng rúp lên 20% trong tuần này, dẫn đến có 100.000 tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn mới với tổng trị giá hơn 100 tỉ rúp trong một ngày. Ngân hàng cũng đang cung cấp tiền gửi USD 3 tháng với lãi suất 8% hàng năm. Trong khi đó, ngân hàng VTB, một ngân hàng trong diện bị phương Tây trừng phạt, đã 2 lần tăng lãi suất huy động trong tuần trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận