menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Nga tăng trợ cấp để xoa dịu tác động của lệnh trừng phạt

Nhờ nguồn thu từ dầu khí lên cao, Moskva tăng hỗ trợ cho trẻ em, người về hưu và cấp tiền từ ngành hàng không đến bất động sản.

Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chi phí sinh hoạt của Evgeniya Berezovskaya - một bà mẹ 3 con 32 tuổi tại Nga - tăng tới 30%. Việc này buộc cô phải giảm chi cho đồ tráng miệng và đồ ngọt.

Nhưng ngay sau đó, chính phủ Nga tăng hỗ trợ tiền cho các gia đình. Khoản trợ cấp cho Lev (12 tuổi) - người con lớn nhất trong gia đình Berezovskaya - được tăng từ 1.100 ruble lên 14.000 ruble mỗi tháng (tương đương 260 USD). Hai con nhỏ của họ năm nay 3 tuổi và 4 tuổi, hiện vẫn nhận trợ cấp 225 USD và 263 USD một tháng.

Đây là một phần kế hoạch hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình thu nhập thấp. "Chúng tôi rất cần số tiền này. Đó là điều chắc chắn", Berezovskaya cho biết, "Nuôi trẻ con lúc nào cũng có chi phí phát sinh".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ, cam kết "không chỉ hoàn thành tất cả nghĩa vụ xã hội, mà còn đưa ra nhiều cơ chế mới, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân". Chính phủ Nga đã tăng lương tối thiểu của người lao động thêm 10% và nâng tiền lương hưu thêm gần 20%.

Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất từ lệnh trừng phạt cũng đang nhận được vốn từ chính phủ, hoặc các dạng hỗ trợ khác như cho vay, bảo hộ phá sản,... Chính phủ Nga cũng đang bù đắp doanh thu cho các hãng hàng không. "Những biện pháp này sẽ giúp duy trì lưu lượng khách nội địa như năm ngoái và giữ giá vé ở mức phải chăng", Rosaviatsiya - Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cho biết.

Các hãng bất động sản thì được hỗ trợ vay vốn. Những công ty chưa thể hoàn thiện việc xây dựng vì thiếu nguyên vật liệu cũng sẽ không bị phạt và sẽ được bảo hộ phá sản. "Cú sốc vẫn chưa qua. Nhưng xu hướng là tích cực", Maria Gribova - Giám đốc SV-Palmira - một hãng tư vấn xây dựng và bất động sản tại St. Petersburg cho biết.

Dù bán được khoảng 1 tỷ USD dầu và khí đốt thiên nhiên mỗi ngày, ngân sách của Nga đang căng thẳng do các chi phí an sinh xã hội và xung đột tại Ukraine. Trong một cuộc họp hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ước tính thâm hụt ngân sách năm nay tương đương khoảng 2% GDP. Trước đó, các dự báo đều là thặng dư.

"Chúng ta cần lực đẩy mới để hỗ trợ nền kinh tế khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Tất cả những điều này đòi hỏi phải chi lượng lớn tiền", ông Siluanov cho biết. Chính phủ Nga "phải rất thận trọng với bất kỳ đề xuất chi tiêu thêm nào".

Chi tiêu công của Nga tăng 25% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, theo Thủ tướng Mikhail Mishustin. Trong khi đó, thu thuế lại giảm do hoạt động kinh tế chậm lại. Đồng ruble mạnh cũng đồng nghĩa chính phủ thu được ít ruble hơn từ xuất khẩu dầu. Nga đã mở Quỹ Tài sản Quốc gia - quỹ khẩn cấp được tạo ra từ doanh thu bán dầu khí - để hỗ trợ nền kinh tế.

Chính phủ Nga dường như cũng đang tìm cách tăng thu từ sản xuất năng lượng. Cuối tuần trước, Nga tiếp nhận quyền kiểm soát liên minh quốc tế đằng sau dự án dầu khí Sakhalin-2. Một ngày trước đó, đại gia khí đốt Gazprom cũng thông báo sẽ không trả cổ tức hàng năm cho nhà đầu tư. Một dự luật nhằm tăng thuế với Gazprom đang được triển khai.

Nhiều dữ liệu kinh tế mà chính phủ Nga công khai vẫn không bền vững. Lạm phát từng chạm đỉnh 17,8%, nhưng hiện đã về 16,7%, ông Putin cho biết hồi tháng 6. "Kể cả con số này vẫn quá cao với chúng ta. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này. Tôi chắc chắn Nga sẽ đạt kết quả lạc quan", ông nói.

Sản lượng sản xuất tháng 5 cũng giảm tháng thứ 2 liên tiếp, theo số liệu của cơ quan thống kê Nga. Riêng sản xuất ô tô giảm còn hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Nga đã hạ lãi suất vay mua nhà. Tuy nhiên, số hợp đồng vay mua nhà ở trong tháng 5 chỉ bằng một phần tư năm ngoái, theo Ngân hàng Trung ương Nga.

"Nguyên nhân chính là mọi người cảm thấy thiếu chắc chắn về thu nhập, lạm phát và việc làm", Angelina Khalikova - nhân viên bất động sản tại Result - một thành phố ở Tây Bắc Moskva cho biết.

Dù vậy, nỗ lực của chính phủ Nga cũng giúp duy trì niềm tin vào nền kinh tế này. Một khảo sát hồi tháng 6 của Levada Center (Moskva) cho thấy số người Nga tin rằng "chúng ta đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất" đã tăng từ 16% trong tháng 3 lên 28% hiện tại. Tuy nhiên, số người dự báo tình hình sẽ xấu đi lại giảm, từ 54% về 48%.

Galina Alekseeva (58 tuổi) - một bác sĩ về hưu tại Ulan-Ude cho biết lương hưu tăng khiến bà cảm thấy nhẹ nhõm trong thời kỳ lạm phát. "Khi cầm giỏ hàng ra quầy thanh toán và nhận hóa đơn hơn 2.000 ruble, tôi đã rất sốc", bà kể lại, "Tôi còn đề nghị thu ngân tính lại. Vì bình thường, tôi mua sắm chỉ hết khoảng 1.000 ruble thôi".

Thu nhập của bà hiện vào khoảng 21.000 ruble mỗi tháng. Vì thế, thay vì mua đường - vốn tăng giá từ 65 ruble một kg lên 77 ruble chỉ trong 2 tuần, bà Alekseeva giờ mua nhiều loại mứt khác nhau để làm chất tạo ngọt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại