Nga rút khỏi hiệp ước an ninh quan trọng
Nga vừa chính thức rút khỏi một hiệp ước an ninh quan trọng sau khi cáo buộc Mỹ gây nguy hại cho an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh bằng việc mở rộng liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết năm 1990, một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, đặt ra những giới hạn có thể kiểm chứng được đối với các loại thiết bị quân sự thông thường mà NATO và Khối Warsaw khi đó có thể triển khai.
Hiệp ước được xây dựng để ngăn chặn các bên trong Chiến tranh Lạnh tập hợp lực lượng tấn công nhanh chóng nhằm vào đối phương ở châu Âu.
Nga đã đình chỉ tham gia hiệp ước vào năm 2007. Hơn một năm sau khi xung đột với Ukraine bùng phát, vào tháng 5/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh bác bỏ hiệp ước.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã chính thức hoàn tất các thủ tục rút khỏi hiệp ước vào lúc nửa đêm 6/11 - và hiệp ước giờ đây đã là "lịch sử".
Bộ cho biết: “Hiệp ước CFE được ký kết vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi việc hình thành một cấu trúc mới về an ninh toàn cầu và châu Âu dựa trên sự hợp tác dường như có thể thực hiện được và những nỗ lực thích hợp đã được thực hiện”.
Nga cho biết việc Mỹ thúc đẩy mở rộng NATO đã khiến các nước thành viên "công khai phá vỡ" các hạn chế của hiệp ước, đồng thời nói thêm rằng việc Phần Lan gia nhập NATO cũng như việc Thụy Điển nộp đơn gia nhập có nghĩa là hiệp ước đã chết.
“Ngay cả việc duy trì chính thức Hiệp ước CFE cũng trở nên không thể chấp nhận được xét từ quan điểm về lợi ích an ninh cơ bản của Nga”, Bộ này nói, nhắc lại rằng Mỹ và các đồng minh đã không phê chuẩn phiên bản cập nhật năm 1999 của CFE.
Xung đột ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ giữa Mátxcơva với phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối tuần qua cho biết quan hệ với Mỹ đang ở mức dưới 0.
Sau khi Nga tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước trong năm nay, NATO đã lên án quyết định này, cho rằng nó làm suy yếu an ninh châu Âu - Đại Tây Dương.
Mặc dù Điện Kremlin cho biết Nga khó có thể quay lại hiệp ước này, nhưng các quan chức nhận định họ có thể để ngỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thay thế. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng những nỗ lực “đảm bảo an ninh quân sự ở châu Âu mà không tính đến lợi ích của Nga sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận