Nga mắc ‘sai lầm’ trên con đường trở thành siêu cường năng lượng?
Tờ Die Welt của Đức nhận định, kế hoạch của người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin nhằm biến đất nước thành một siêu cường năng lượng đã không thực hiện được.
Cụ thể, Die Welt giải thích, lý do cho điều này không chỉ là xung đột chính sách đối ngoại với châu Âu đã ngăn cản việc triển khai các dự án khí đốt. Mà vấn đề là Nga đã thực hiện một “tính toán sai lầm” khi đánh giá quá cao nhu cầu đối với nhiên liệu ở Liên minh châu Âu (EU).
“Khi bắt đầu cầm quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nung nấu ý tưởng biến đất nước thành một siêu cường năng lượng trên thế giới”, Die Welt viết. Từ năm 2000 - 2005, sản lượng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đã tăng 54%. Giá trị thị trường của Gazprom đạt 367 tỉ USD. Sau đó, nhiều người dự đoán rằng nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ chỉ tăng lên. Và vấn đề này khiến Tổng thống Nga đã lên kế hoạch xây dựng thêm hai đường ống dẫn khí đốt.
Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, tình hình vẫn "dậm chân tại chỗ". Giá cổ phiếu của Gazprom chỉ bằng 1/7 so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2008. Việc xây dựng South Stream (Dòng chảy phương nam) đã bị gián đoạn bởi các quy định của EU và được thay thế bằng TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) ngắn hơn nhiều. Sau những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ và vụ đầu độc chính trị gia người Nga Alexei Navalny, số phận của Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) có vẻ như không còn chắc chắn.
“Theo ý tưởng của Tổng thống Putin, đường ống dẫn khí đốt chạy dọc theo đáy biển Baltic được cho là sẽ trở thành bằng chứng cho thấy châu Âu sẽ không từ bỏ nguồn năng lượng của Nga bất chấp việc sáp nhập Crimea và các xung đột chính sách đối ngoại khác. Trong trường hợp này, trên thực tế, việc xây dựng Nord Stream 2 có hoàn thành hay không không quá quan trọng. Trong mọi trường hợp, Nga đã thực hiện một “tính toán sai lầm”. Chiến lược năng lượng của Nga cho giai đoạn đến năm 2035 quy định rằng lượng khí đốt xuất khẩu hàng năm của nước này phải từ 255 đến 300 tỉ m3. Một nửa số lượng này được dùng để cung cấp cho phương Tây”, Die Welt nhấn mạnh.
Nhưng giờ đây, Gazprom nhận ra nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm dần, vì vậy họ bắt đầu phát triển thị trường châu Á. Đồng thời, có thể nhu cầu về khí đốt của Nga sẽ giảm nhanh hơn nhiều và thị phần của Moscow trên thị trường năng lượng châu Âu sẽ giảm đáng kể. Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức kết luận rằng Điện Kremlin đã đánh giá thấp việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ví dụ, ở Đức đầu tư rất nhiều tiền vào đó và có các chính sách nhất quán.
Cũng theo Die Welt, các đối thủ của Nga cũng thức thời và đang cho phép người châu Âu đa dạng hóa các nguồn năng lượng thông qua việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức dự đoán nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nam Mỹ có thể tăng gấp đôi vào năm 2035, đạt 18%. Trong bối cảnh tất cả những gì đang xảy ra, lợi thế về giá của nhiên liệu xanh từ Nga được cung cấp thông qua đường ống không còn thuyết phục như vậy nữa. Các chuyên gia cho rằng Nord Stream 2 và Đường ống dẫn khí Sila Siberia sẽ trở thành những dự án không có lãi.
Theo các báo cáo, đường ống dẫn khí Sila Siberia của Gazprom trong 6 tháng đầu năm 2020 chưa đạt 60% công suất thiết kế cho giai đoạn đầu (5 tỉ m3/năm). Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, Trung Quốc mới chỉ nhận 1,27 tỉ m3 trong tổng số 4,25 tỉ m3 theo nguyên tắc “take or pay” (mua hoặc nộp phạt), riêng tháng 5 khối lượng chỉ dừng ở mức 281 triệu m3 (giảm 12% so với tháng trước). Ước tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ chỉ nhận 3,1 tỉ m3 bất chấp giá khí đường ống Gazprom thấp hơn các đối thủ cạnh tranh (Turkmenia, Uzbekistan, Kazakhstan) 183 USD/1000 m3. Với tình trạng này, khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng đường ống 1.100 tỉ ruble (15,5 tỉ USD) là rất thấp.
Ngoài ra, Gazprom đã có thặng dư sản xuất do trong giai đoạn từ 2018 - 2019 nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã giảm xuống còn 200 tỉ m3. Và vào năm 2020, do đại dịch Covid-19, chúng đã lên tới 166 tỉ m3. Theo các dự báo, nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ chỉ phục hồi trở lại mức cũ vào năm 2022.
“Trước việc xây dựng Nord Stream 2 có thể bị gián đoạn sẽ là tin tốt cho Ukraine. Nga muốn từ bỏ phí quá cảnh khí đốt qua Ukraine nhưng giờ đây, trái với ý muốn của Moscow, Kiev có thể trở thành đối tác không thể thay thế đối với nước này. Nếu không có Ukraine, Gazprom sẽ không thể phục vụ nguồn khách hàng từ châu Âu. Đồng thời, các thỏa thuận đã đạt được rằng việc vận chuyển nhiên liệu qua Ukraine sẽ tiếp tục cho đến năm 2025. “Điện Kremlin tin rằng đây là một giải pháp tạm thời, nhưng nó có thể trở thành phương án dài hạn”, Die Welt kết luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận