Nga, Đức “bắt tay” quyết tâm hoàn thành Dòng chảy Phương Bắc 2
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vừa nhấn mạnh Berlin và Moscow quyết tâm hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 dù Mỹ đang nỗ lực ngăn cản.
Bất chấp đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ, Đức và Nga đang xích lại gần nhau nhằm bảo vệ dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua biển Baltic.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tới Nga vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương nói riêng, cũng như quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga nói chung.
Tại cuộc họp báo chung sau buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo ngoại giao Đức và Nga đều bày tỏ quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt do Mỹ chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
"Không quốc gia nào có quyền ra lệnh về chính sách năng lượng cho châu Âu thông qua các biện pháp đe dọa trừng phạt và điều này cũng sẽ không mang lại hiệu quả" - Ngoại trưởng Mass tuyên bố.
Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, quan điểm của Berlin sẽ giúp đa dạng hóa các tuyến đường ống cung cấp khí đốt và củng cố an ninh năng lượng cho châu Âu. Ông Lavrov tuyên bố Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ hoàn thành trong năm nay bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn dự án.
Những tuyên bố của Đức và Nga được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hồi tháng 7 vừa qua.
Đầu tháng này, các thượng nghị sĩ đã gửi một lá thư cho nhà điều hành cảng Sassnitz của Đức, hối thúc giục họ dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Các thành viên Thượng viện do thượng nghị sĩ Ted Cruz đứng đầu bao gồm hai thượng nghị sĩ khác là Tom Cotton và Ron Johnson cảnh báo công ty Sassnitz, có trụ sở tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức), về những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Cảnh báo nêu rõ, nếu hỗ trợ việc lắp đặt đường ống, công Sassnitz sẽ bị cắt đứt quan hệ thương mại và tài chính với Mỹ. Do vậy, công ty Sassnitz và cảng Mukran ở đảo Rügen cần phải chấm dứt ngay việc hỗ trợ cho dự án vốn bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối lâu nay.
“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD. Hiện nay dự án đã hoàn thành được khoảng 93%.
Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia. Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ do lo ngại dự án này sẽ khiến EU bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.
Trong khi đó, Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, mang lại lợi ích cho châu Âu. Khi không thuyết phục được Berlin thay đổi quan điểm, chính quyền Washington bắt đầu gia tăng áp lực trừng phạt nhằm vào dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
Hồi tháng 12/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trong năm 2020, trong đó có điều khoản trừng phạt các tàu tham gia lắp đặt đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 cũng như các cá nhân người nước ngoài hỗ trợ cho các tàu rải ống.
Justin Urquhart Stewart - giám đốc và đồng sáng lập Regionally ở London, nói với tờ New Europe hôm 14/8 cho biết việc Mỹ liên tục gây sức ép với Dòng chảy Phương Bắc 2 đang khiến mối quan hệ giữa Berlin và Washington, vốn không hề yên ả trong thời gian gần đây, càng trở nên căng thẳng hơn.
Ông Schaffranietz lưu ý thêm rằng các công ty năng lượng Tây Âu, gồm Áo, Đức, Pháp và Hà Lan, đã cam kết đầu tư gần 1 tỷ euro mỗi công ty vào dự án này cùng với hơn 1.000 công ty từ 25 nước EU đã cam kết tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2 sau khi được đưa vào sử dụng. “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ - nếu được áp đặt - có thể gây thiệt hại kinh tế trực tiếp đến hơn 120 công ty của 12 nước châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng sẽ chặn các khoản đầu tư khoảng 700 triệu euro để hoàn thiện phần dự án còn dang dở”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận