menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tuyên Đức

Nga: Áp lực lạm phát tồi tệ hơn khi đồng ruble mạnh

Theo Báo Độc lập của Nga, đồng ruble đã tăng khoảng 20% so với đồng USD so với hồi đầu năm, nhưng điều này không giúp giá cả trở lại mức quen thuộc với người Nga. Một số loại đồ gia dụng hiện nay đắt hơn từ 20-30% so với thời điểm đầu năm.

Cùng một chủng loại máy giặt hoặc máy hút bụi trong các mạng lưới bán hàng lớn của Nga có thể đắt gấp rưỡi so với ở Kazakhstan hoặc Ba Lan. Người Nga vẫn chưa thể hưởng lợi đầy đủ từ một đồng ruble mạnh.

Cái gọi là chi phí trừng phạt vẫn có hiệu lực khi được tính vào giá bán.Đồng ruble đã tăng giá gần 20% so với USD thời điểm trước khi các lệnh trừng phạt gia tăng vào đầu năm nay. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê liên bang Nga (Rosstat), giá nhiều mặt hàng, và trước tiên là các mặt hàng phi thực phẩm, giá vẫn cao hơn hàng chục phần trăm so với đầu năm. Điều này có thể thấy với cả hóa chất gia dụng, sản phẩm vệ sinh và sản phẩm kỹ thuật.

Cụ thể, trung bình một chiếc máy giặt tự động tại Nga hiện đắt hơn khoảng 30% so với thời điểm đầu năm, tủ lạnh hai buồng khoảng 20%. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cùng một máy giặt của cùng một nhà sản xuất với các đặc điểm giống hệt nhau hoặc gần như tương tự nhau trong các mạng lưới tiêu thụ lớn ở Nga hiện có thể có giá, tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành, đắt gấp rưỡi so với ở Kazakhstan hoặc Ba Lan. Tình hình tương tự cũng được quan sát thấy với giá của một số máy hút bụi hoặc tivi.

Người ta có thể nói đến sự khác biệt về mức lương. Ví dụ, tính theo USD, lương ở Kazakhstan thấp hơn đáng kể so với ở Nga. Trong quý II/2022, mức lương này lên tới khoảng 650 USD mỗi tháng so với khoảng 1.100 USD ở Nga theo tỷ giá hối đoái hiện tại. Tuy nhiên, cái gọi là tổng lương (trước thuế) ở Ba Lan tính theo đồng USD cao hơn ở Nga, vào khoảng 1.300 USD.

Ông Alexander Knobel, Giám đốc Viện Kinh tế và Tài chính Quốc tế trực thuộc Học viện Ngoại thương Toàn Nga của Bộ Phát triển Kinh tế Nga và là Trưởng Phòng thí nghiệm Thương mại Quốc tế của Viện Gaidar, giải thích rằng trong phân khúc "hàng điện và thiết bị gia dụng khác" giá hàng hóa tăng mạnh là do việc nhập khẩu các mặt hàng thành phẩm, và do tỷ trọng linh kiện nhập khẩu cao khi sản xuất trong nước.

Chuyên gia này giải thích: “Trong điều kiện bình thường, sự mạnh lên của đồng ruble so với đồng USD và đồng euro sẽ làm giảm giá bán tính theo đồng ruble một cách đáng kể, vì nguồn cung quốc tế những mặt hàng công nghiệp này thường được thực hiện ở mức giá khá ổn định, được thể hiện bằng đồng tiền dự trữ”. Tuy nhiên, giờ đây tình hình đã khác. Kết quả là nếu tính đến tất cả các xu hướng và giá bán được biểu thị bằng USD hoặc euro, một số loại thiết bị gia dụng tính theo ngoại tệ đã tăng giá ở Nga 40-50% so với thời điểm đầu năm.

Ông Knobel lưu ý: “Điều gì có thể làm tăng nhanh giá hàng hóa có tỷ trọng nhập khẩu cao, bất chấp việc đồng ruble tăng giá? Đó là việc các chuỗi hậu cần cũ bị đứt gãy, làm tăng rủi ro cung ứng và sản xuất hàng hóa, sự rút lui của các công ty lớn khỏi thị trường, hạn chế rút vốn”. Ông cho rằng: “Hàng hóa bây giờ thường cần được vận chuyển ‘tránh’ biên giới chung. Hơn nữa, việc phát triển các tuyến đường mới có thể tốn kém và mất thời gian. Sự gia tăng số lượng các bên tham gia vào chuỗi cung cấp làm tăng chi phí một cách khách quan”.

Theo ước tính của ông Knobel, việc phá vỡ chuỗi hậu cần có tác động mạnh hơn đến sản xuất sử dụng linh kiện nhập khẩu so với các nhà nhập khẩu thành phẩm. Trong trường hợp này, cần có sự thích ứng của chuỗi. “Sự ra đi của các công ty lớn có hệ thống bán hàng bài bản đã khiến sức cạnh tranh trên thị trường giảm, dẫn đến giá luôn tăng cao”, chuyên gia này phân tích. “Và những doanh nghiệp quyết định ở lại phải đối mặt với các hạn chế về việc rút vốn và tăng rủi ro khi hoạt động ở Nga, điều này đòi hỏi phải tăng lợi nhuận của kinh doanh như vậy”.

Một yếu tố khác là cầu mua thiết bị tăng cao, diễn ra vào cuối tháng 2-3/2022. Sau khi nhu cầu bình thường hóa, giá tăng vào thời điểm cường độ cao đã điều chỉnh giảm xuống, nhưng không hoàn toàn. Giá có thể tăng nhanh chóng, ví dụ, khi đồng tiền quốc gia suy yếu, nhưng sau đó khi đồng nội tệ mạnh lên hoặc ngừng tăng, giá hàng hóa sẽ giảm chậm hơn nhiều.

Vì vậy, theo ông Knobel, người ta có thể đồng ý một phần với luận điểm rằng giá đồng ruble của một số mặt hàng nhập khẩu hiện nay sẽ ở mức tương đương với tỷ giá hối đoái 80-90 ruble đổi 1 USD.

Ông Artem Sokolov, Chủ tịch Hiệp hội các công ty thương mại Internet, giải thích: “Chênh lệch về giá đối với một số mặt hàng tiêu dùng so với các nước khác là hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga: Các điều kiện kinh tế vĩ mô đã hoàn toàn thay đổi trên thị trường, và tỷ giá đồng USD ảnh hưởng một phần đến giá vốn hàng hóa. Nếu các nhà bán lẻ Nga trước đây dựa vào giá bán của các nhà sản xuất, thì giờ đây, giá được xác định bởi những người chơi địa phương tại các điểm mua hàng, trong khi thuế và thuế địa phương có thể được bổ sung như một phần của hàng nhập khẩu”.

Chuỗi cửa hàng bán đồ điện tử M.Video-Eldorado vẫn khẳng định họ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có trong khuôn khổ luật pháp để duy trì mức giá hấp dẫn ở phạm vi rộng rãi cho người Nga.

Ông Igor Karavaev, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hiệp hội các công ty bán lẻ, và ông Sokolov đều đặc biệt chú ý đến thực tế là các nhà bán lẻ Nga trong tình hình kinh tế khó khăn phải gánh vác các nghĩa vụ ngày càng tăng. Họ cung cấp các mặt hàng quen thuộc với người Nga, duy trì việc làm, giữ giá bán lẻ giảm và phát triển dịch vụ hậu cần.

Điều này, rõ ràng, dẫn đến mức giá bán cao. Mặc dù vậy, như ông Sokolov cho biết, các báo cáo chính thức được công bố bởi nhiều nhà bán lẻ trên thị trường chỉ ra rằng "biên lợi nhuận bán hàng đã không tăng trong năm và không thể nói về bất kỳ khoản tăng mạnh nào trong ngành bán lẻ của Nga”.

M.Video-Eldorado cũng cho biết: Trong bối cảnh tăng trưởng hoạt động nhập khẩu trong quý III, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang dần phục hồi. Doanh số bán hàng có những động lực tương đương, cho thấy tác động của các yếu tố lạm phát hiện nay đã được giảm thiểu đối với thị trường Nga.

Về phần mình, Văn phòng báo chí của Bộ Công Thương Nga hồi tháng Ba cho hay với biến động mạnh của thị trường và nguồn cung hạn chế, một số nhà cung cấp đã hạ giá đối với nhiều mẫu thiết bị ở tất cả các chủng loại chính nhằm cung cấp cho người Nga những mặt hàng tiêu dùng cần thiết. Do đó, trong điều kiện hiện nay, sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước thường có giá hấp dẫn hơn so với nước ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
6 Bình luận 6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại