Nga áp dụng lại biện pháp kiểm soát vốn để hỗ trợ đồng ruble
Nga sẽ áp dụng lại một số biện pháp kiểm soát vốn từng thực hiện đầu chiến sự, nhằm ngăn giá nội tệ giảm hơn nữa.
Chính phủ Nga thông báo sẽ buộc hàng chục hãng xuất khẩu đổi doanh thu từ ngoại tệ sang ruble. Cơ quan giám sát tài chính của Nga Rosfinmonitoring sẽ theo dõi việc thực hiện quy định mới này với 43 công ty năng lượng, kim loại, ngũ cốc và các lĩnh vực khác.
Hôm 12/10, ruble tăng giá 3,4% sau thông tin này, lên 96 ruble đổi một đôla Mỹ. Đây là mức mạnh nhất trong hơn 2 tuần. Ruble cũng mạnh lên so với euro và nhân dân tệ.
"Mục đích chính của các biện pháp này là tạo ra tiền đề dài hạn nhằm tăng cường minh bạch và khả năng dự báo trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc này cũng sẽ làm giảm đầu cơ", Phó thủ tướng Nga Andrei Belousov cho biết trong thông báo.
"Đến cuối năm, chúng tôi cho rằng ruble sẽ lên 88-92 ruble mỗi đôla Mỹ", Yevgeny Kogan – Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga (HSE) cho biết.
Nhân viên đếm các tờ 1.000 ruble trong một ngân hàng tại Nga. Ảnh: Reuters
Các chính sách trên tương tự những quy định đã được Moskva áp dụng tháng 2/2022, chỉ vài ngày sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khi đó, hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến ruble lao dốc, xuống thấp kỷ lục tại 135 ruble một đôla Mỹ.
Nga thời điểm đó yêu cầu các hãng xuất khẩu đổi 80% doanh thu bằng ngoại tệ sang ruble, không giữ bằng USD hay euro. Người dân cũng không được phép chuyển khoản ra nước ngoài. Nhà đầu tư ngoại cũng không được phép bán chứng khoán Nga.
Năm nay, ruble đã mất hơn một phần ba giá trị so với đôla Mỹ. Nguyên nhân là chiến sự tại Ukraine tác động đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Nga. Giới phân tích cho rằng nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ của Moskva sẽ khó tăng vọt.
Điều này đang khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga giảm sút. Tính chung 9 tháng đầu năm, con số này đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng chênh lệch kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu thu hẹp góp phần khiến đồng ruble mất giá.
Thâm hụt ngân sách của Nga cũng tăng vọt sau khi chiến sự nổ ra. Bộ Tài chính Nga cho biết thâm hụt 9 tháng đầu năm của nước này là 1.700 tỷ ruble (17 tỷ USD). Cùng kỳ năm ngoái, họ thặng dư 203 tỷ ruble.
Để giải quyết việc ruble mất giá và lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cơ bản từ 8,5% lên 12% hồi tháng 8. Tháng trước, họ tiếp tục nâng lên 13%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận