Nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng LNG
Trung Quốc có thể tăng thuế nhập khẩu LNG từ Mỹ ở mức 10 - 25% và tác động đến toàn bộ nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ.
Trung Quốc chưa trả đòn Washington sau khi Mỹ tăng thuế lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Song Bắc Kinh có thể phản ứng thật sự một khi ông Trump muốn tăng thuế tiếp lên hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc vào Mỹ.
Một trong các cách trả đòn của Trung Quốc là khí tự nhiên hóa lỏng.
Số liệu của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy Trung Quốc là quốc gia mua LNG số một của Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.
Tuy nhiên, cường quốc châu Á vẫn bất chấp tình trạng phụ thuộc khí hóa lỏng Mỹ, áp thuế suất 10% với mặt hàng này. Sau khi có cuộc đàm phán giữa Mỹ- Trung Quốc, Bắc Kinh chấp thuận nhập khẩu lại LNG của Mỹ.
Song đến nay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc có thể áp lại khoản thuế này, thậm chí áp tăng lên 25% và khiến các con tàu chở LNG của Mỹ đến Trung Quốc bị dừng lại.
Xuất khẩu LNG của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 80% trong năm tài chính này, so với cùng kỳ năm ngoái, RT thông tin.
Trong bối cảnh Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế quan "chết chóc" lên LNG nhập khẩu, Bắc Kinh vẫn có những nhà cung ứng LNG đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của thị trường tỉ dân. Đơn cử nhất là nhà cung cấp Australia.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 23 triệu tấn LNG từ Úc, chiếm khoảng 42% xuất khẩu của Úc. Con số đó có thể sẽ tăng lên.
Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ khoảng 53 triệu tấn nhập khẩu LNG trong năm 2018 lên khoảng 93 triệu tấn vào năm 2025 - khi nước này chuyển dần để trở thành nhà nhập khẩu khí lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích năng lượng của Credit Suisse Saul Kavonic đánh giá, cuộc chiến thương mại to lớn khiến Trung Quốc có thể muốn ký thỏa thuận lâu dài 20 năm đối với LNG của Úc.
Nếu thực tế này xảy ra, cuộc chiến thuế quan đang không đi theo hướng mà ông Trump mong muốn. Tổng thống Donald Trump đã kỳ vọng thúc đẩy vai trò của Mỹ là một nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên thế giới. Nhưng kỳ vọng này có thể bị phá hỏng.
Nhà phân tích khí đốt Rystad Energy Sindre Knuttson cho hay, Tập đoàn khí đốt có trụ sở tại Mỹ Cheniere Energy là một thiệt hại có thể xảy ra trong cuộc chiến thương mại song phương. Cheniere đã ký một hợp đồng 20 năm để cung cấp 2 triệu tấn LNG cho công ty nhà nước Trung Quốc Sinopec bắt đầu từ năm 2023, nhưng việc hoàn tất thỏa thuận này đã bị trì hoãn.
Ông Nikos Tsafos, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, DC, cũng nhận thấy tác động lâu dài đối với xuất khẩu LNG có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của Mỹ.
Thay vì mua hàng của Mỹ, Trung Quốc có thể nhập khẩu khí đốt từ Australia, Turkmenistan và Qatar.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi Trung Quốc áp thuế tăng với LNG Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng chịu thiệt nặng. Những nhà cung cấp Úc, Qatar hay Đông Nam Á có thể tận dụng tình hình bằng cách đưa ra mức giá chỉ dưới mức giá LNG Mỹ (đã tính cả thuế). Điều này có nghĩa bên mua Trung Quốc bị “phụ thu” 4-5 triệu USD, theo tính toán của Wood Mackenzie.
Hứng chịu chi phí này sẽ là những doanh nghiệp chi phối thị trường mua LNG như Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), công ty cổ phần TNHH dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận