24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nếu không vào bất động sản, vốn đang chảy đi đâu?

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đang rất khó khăn, nhưng các số liệu công bố đến 31-8, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng (tăng khoảng 23,3%).

Điều này cho thấy dòng tín dụng vẫn tìm cách để thoát ra của các NH. Vậy dòng vốn chảy vào địa chỉ nào?

Điệp khúc tiền thừa

Năm 2023, các NH “được mùa” huy động. Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III, nhiều NH ghi nhận mức tăng trưởng huy động vốn trên 10% như MSB tăng 10,7%, ABBank tăng 10,4%, Saigonbank tăng 11,6%, Sacombank tăng 11,7%, OCB tăng 12,7%, Vietbank tăng 13%, Techcombank tăng 14,1%, BacABank tăng 18,2%, BaoViet Bank tăng 18,6%...

Một số nhà băng đạt mức tăng trưởng huy động trên 20% như NamABank (21%), SeABank (22%).

Tuy vậy, HDBank là nhà băng có tăng trưởng số dư tiền gửi cao nhất trong 9 tháng, với mức tăng 53,8% so với đầu năm, đạt hơn 341.000 tỷ đồng. Kế đến là VPBank với tăng trưởng huy động 39%, đạt hơn 421.000 tỷ đồng.

Nhóm NHTM có vốn nhà nước tuy có mức tăng trưởng thấp hơn các NHTMCP, nhưng số dư tuyệt đối của các khoản tiền gửi hiện tại rất lớn. Cụ thể, BIDV có số dư tuyệt đối lên đến 1,58 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Số dư tiền gửi tại Vietcombank 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 8% và của VietinBank 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 5%.

Như vậy, tiền nhàn rỗi đang có xu hướng đổ về các NH, bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm trong các tháng gần đây. Ngược lại, tín dụng lại chưa thấy dấu hiệu tăng tốc. Số liệu từ NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022, chỉ tăng nhẹ so với mức 6,9% vào cuối tháng 9.

Nguyên nhân được NHNN lý giải do cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn…

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm hợp lý, tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Song đến nay, chưa có dự báo nào lạc quan về việc các TCTD sẽ sử dụng hết mức tăng trưởng tín dụng 7% còn lại trong 2 tháng cuối năm.

Tìm cách đẩy vốn vào BĐS

Tiền thừa, khó tăng tín dụng đang là vấn đề đau đầu chung của hệ thống NH. Tuy nhiên, riêng lẻ từng NH có thể thấy từ giữa năm đến nay, nhiều nhà băng đã tìm hướng để dòng tiền chảy ra. Theo đó, ở thời điểm cuối tháng 9 đã xuất hiện một số nhà băng có mức tăng tín dụng rất mạnh so với mức bình quân toàn ngành.

Đó là VPBank tăng trưởng tín dụng đến 17%, Techcombank tăng 13,5%, MBBank tăng 16%, MSB tăng 18% so với đầu năm... Nguồn vốn này chủ yếu vào cho vay kinh doanh BĐS.

Cụ thể, BCTC quý III cho thấy dư nợ cho vay BĐS của Techcombank đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng (tăng so với tỷ trọng 26,4% cùng kỳ năm ngoái).

Tín dụng kinh doanh BĐS của VPBank tính tới cuối tháng 9 tăng 45%, lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của NH.

Các NH khác có tỷ trọng cho vay kinh doanh BĐS thấp hơn, song mức tăng về dư nợ cũng đáng kể. Đơn cử, dư nợ kinh doanh BĐS của SHB đạt hơn 67.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm.

MBBank ghi nhận mức 34.500 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 6,44% tổng dư nợ cho vay khách hàng. MSB cho vay 12.450 tỷ đồng so với mức 10.386 tỷ đồng cuối năm 2022.

Có thể thấy cho vay BĐS tăng rõ hơn tại báo cáo tình hình nhà ở và thị trường BĐS quý III do Bộ Xây dựng công bố mới đây. Theo đó, tính đến 31-8 dư nợ tín dụng đối với kinh doanh BĐS đạt 986.477 tỷ đồng (tăng khoảng 23,3% so với cuối năm 2022).

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở 266.248 tỷ đồng; với các dự án văn phòng 40.622 tỷ đồng; với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất 56.571 tỷ đồng; với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 53.860 tỷ đồng; các dự án nhà hàng, khách sạn 64.211 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 132.165 tỷ đồng; vay mua quyền sử dụng đất 62.701 tỷ đồng; đầu tư kinh doanh BĐS khác 310.099 tỷ đồng…

Nên ứng xử thế nào?

Tại báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, về tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cuối tháng 10, nhấn mạnh cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Cụ thể, dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các lĩnh vực còn lại dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021, nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ chung toàn ngành (14,18%).

Trong khi đó, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dư nợ cấp tín dụng vào lĩnh vực BĐS cuối năm 2022 đạt 2.581.000 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành).

Song ở thời điểm này, cũng đã có nhiều quan điểm cho rằng không nên quá khắt khe, hay siết quá chặt. Lĩnh vực BĐS nhiều rủi ro nhưng đến nay đã ngấm sâu và kéo dài quá lâu, cần có chính sách để điều hòa lĩnh vực này dần phục hồi.

Nếu chặn hẳn tín dụng BĐS, ngành này sẽ không phục hồi được, từ đó kéo theo nhiều ngành khác bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực BĐS, tất nhiên là cho vay có chọn lọc.

Tuy nhiên, để vốn vào BĐS ít rủi ro cần giải quyết vấn đề cung và cầu, vì sản phẩm đầu cơ (phục vụ tầng lớp cấp cao) chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực quá ít. Không phải ngẫu nhiên Chính phủ mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội, mà là để cung cầu gặp nhau, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

Với gợi ý đó, người trong cuộc, cụ thể là các NH và DN BĐS cần suy ngẫm và tìm hướng đi phù hợp hơn. Để khi qua giai đoạn khó khăn này, thị trường BĐS có thể hồi phục và phát triển theo hướng bền vững, và để cho vay BĐS không còn là nỗi canh cánh của nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả