24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nếu không được sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm có thể phải dừng hoạt động

Cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề nghị cân nhắc việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, bởi nếu không được sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động…

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều biện pháp xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội. Một trong những chế tài xử lý được đề xuất vẫn còn nhiều ý kiến cân nhắc là việc ngừng hóa đơn và hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.

CÂN NHẮC QUY ĐỊNH GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Một số giải pháp đáng chú ý để hạn chế trốn đóng bảo hiểm tại dự thảo Luật là quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên…

Thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng là tiền gì, có phải là tiền phạt trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? Nếu là tiền phạt thì cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, và làm rõ số tiền này nộp vào ngân sách Nhà nước hay vào Quỹ bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cân nhắc việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, vì đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nếu không được sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định biện pháp này.

Về nội dung: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên”, Uỷ ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Luật hiện hành quy định bị xử phạt hành chính.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng có quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn.

Trường hợp này khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ.

PHÂN LOẠI RÕ CHẬM ĐÓNG VÀ TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng thống nhất quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một điều luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, xem xét đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, hoặc sự kiện bất khả kháng (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ…), thì cần cân nhắc không xác định trường hợp này là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ hành vi chậm đóng, Luật Quản lý thuế cũng có quy định về xử lý đối với việc chậm nộp thuế. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ lý do và đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc bỏ quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Liên quan đến nội dung này, trước đó tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hôm 17/8, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, nhiều doanh nghiệp không đồng thuận với chế tài ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh, bởi các chế tài này sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch VCCI, quan điểm của doanh nghiệp mong muốn là nếu như có những vi phạm về mặt tài chính, thì xử lý bằng những biện pháp kinh tế và tài chính là chính, chứ không nên xử lý theo những hình thức như ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh. Hơn nữa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhiều khi phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…

Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ và cơ quan thẩm tra cũng như các đơn vị hữu quan sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp từ nhiều phía, để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

Bộ cũng sẽ phân ra 2 loại là loại chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, hành vi trốn đóng và hành vi chậm đóng là khác nhau.

Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận thực trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả