'Nếu không bán hàng trên chợ online, tôi phá sản rồi'
Bán hàng qua mạng, bán hàng trên sàn thương mại điện tử... là những giải pháp mà tiểu thương các chợ chọn để chống chọi với dịch COVID-19.
Dịch bệnh khiến hơn 100 chợ và 60 siêu thị, siêu thị mini tại TP.HCM phải tạm đóng cửa. Các chợ còn lại hoạt động cầm chừng, thu hẹp gian hàng, lượng khách giảm sút. Do đó, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra cách bán hàng online tạm thời và ban quản lý các chợ cũng chủ động hỗ trợ người bán tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm qua các kênh trực tuyến.
Đơn cử, ban quản lí chợ Phạm Văn Hai đã xây dựng nên Fanpage trên Facebook có tên Hội phụ nữ chợ Phạm Văn Hai để hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua mạng.
Theo đại diện chợ Phạm Văn Hai, đây là nơi các tiểu thương trong chợ rao bán từ thực phẩm cho tới quần áo, hàng gia dụng. Ngoài ra các tiểu thương này cũng chủ động sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để bán hàng, sàn thương mại điện tử (TMĐT) để chủ động tìm thêm nguồn ra cho sản phẩm.
Chị Thanh Thảo, bán quần áo tại chợ Phạm Văn Hai cho biết, từ đợt dịch đầu tiên, chị đã đăng sản phẩm lên sàn TMĐT Shopee, Lazada để bán hàng. "Dịch kéo dài như này, nếu tôi không bán trên các sàn thương mại điện tử, các hội, nhóm và Facebook cá nhân thì hàng hóa chắc ế ẩm và tôi phá sản rồi"- chị Thảo chia sẻ.
Hay tại chợ Phùng Hưng (quận 5), đại diện Ban quản lí chợ cho biết hiện nay lượng khách tại chợ giảm mạnh, chỉ đạt 40% so với ngày trước dịch. Theo đó, nhằm đảm bảo đời sống cũng như đảm bảo an toàn cho người bán lẫn khách hàng đi chợ, ban quản lí chợ đã vận động toàn bộ tiểu thương bán hàng tại đây và khách hàng mua bán các loại hàng hoá thực phẩm bằng hình thức online.
Trên Fanpage của chợ đăng tải số điện thoại của xe ôm, ban quản lí chợ và só điện thoại của các tiểu thương được cập nhật theo từng ngành hàng, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.
"Người dân có thể 'đi chợ' qua số điện thoại của tiểu thương hoặc ban quản lý chợ. Thực phẩm được giao đến tận nhà bằng tài xế công nghệ và xe ôm tại chợ mà ban quản lý đã đăng tải thông tin, số điện thoại" - đại diện chợ này nói.
Không chỉ bán hàng trên mạng xã hội, một số tiểu thương còn đăng ký gian hàng trên các ứng dụng đa phương tiện có dịch vụ đi chợ như Grab, Bee... để tăng thêm thu nhập. Chị Ngô Thị Chẳng, chủ sạp Bà Ba Bánh Tét tại chợ Bến Thành (quận 1) cho biết nhờ việc đăng ký gian hàng trên ứng dụng GrabMart mà trong mùa dịch, có thêm một đầu ra cho hàng hóa của mình.
Mới đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương trong việc tiêu thụ hàng hóa cũng như hạn chế ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả, Hiệp hội thương mại điện tử TP.HCM (VECOM) cùng Hiệp hội quảng cáo đã đưa ra ý tưởng và gửi đề xuất lên Sở Công Thương TP.HCM giải pháp xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử cho chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch, Trưởng văn phòng đại diện VECOM tại TP.HCM cho biết trước mắt sẽ tập huấn cho tiểu thương các chợ được chọn thí điểm, về kỹ năng bán hàng trên môi trường số, từ đó thành lập ra các tổ kết hợp hàng hóa theo thực đơn như rau củ, thịt cá, gia vị...giúp người dùng dễ dàng lựa chọn. Cũng theo ông Dũng, nếu triển khai thành công, thì kênh bán hàng này sẽ là một giải pháp để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào.
Dưới đây là một số hình ảnh tiểu thương các chợ ứng phó với dịch COVID-19.
Người bán và ban quản lí chợ tăng mua bán online trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Trái cây cũng được tiểu thương giao hàng tận nhà. Ảnh: Một tiểu thương tại chợ tạm ở Gò Vấp, sau khi phải tạm ngưng bán hàng đã dán bảng thông báo giao hàng tại nhà.
Dù chợ bị tạm đóng cửa, nhưng các tiểu thương nơi vẫn đề bảng bán và giao hàng tận nhà, miễn phí giao hàng dưới 5 km.
Chị Thi cho biết, không chỉ bán thịt giao hàng tận nhà, chị còn nhận đi chợ hộ.
Không chỉ tiểu thương chợ gặp khó, ngay cả các cửa hàng bán thịt lớn cũng phải tạm đóng cửa và bán hàng online.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận