24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nếu Fed chạm giới hạn vung tiền, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?

Các chính sách của Fed trở thành trụ cột cho thị trường chứng khoán?

Cảm nhận về chuyện Fed hỗ trợ thị trường tài chính, chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan này được đánh giá là câu chuyện “hoang dại” bậc nhất năm 2020.

Sau những can thiệp “vô tiền khoáng hậu” bằng cách tung tiền ra hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường tài chính, ngày 29/6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục gây ấn tượng khi công bố thực hiện chương trình cho vay 500 tỷ USD để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp lớn.

“Các chính sách của Fed trở thành trụ cột cho thị trường. Ngân hàng trung ương Mỹ từ chối để thị trường định đoạt mọi chuyện, thay vào đó can thiệp vào mọi ngóc ngách để đảm bảo nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng không đổ vỡ”, Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Prudential cho biết. Lo thêm vấn đề của thị trường tài chính - chứng khoán trở thành nhiệm vụ thứ ba của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh hai vấn đề chính được giao phó là bình ổn giá cả và đảm bảo ổn định cho thị trường lao động.

Cảm nhận về chuyện Fed hỗ trợ thị trường tài chính, chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan này được đánh giá là câu chuyện “hoang dại” bậc nhất năm 2020. Tháng 3/2020, khi các thị trường tài chính suy thoái vì đại dịch Covid-19, Fed đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: “Chúng tôi sẽ chăm sóc mọi thứ, bằng mọi giá”. Cụ thể, cơ quan này sẵn sàng cho doanh nghiệp vay tiền trực tiếp (bơm tiền vào ngân hàng thương mại qua các gói cho vay hỗ trợ đại dịch); mua lại trái phiếu của doanh nghiệp tại thị trường thứ cấp; mua các chứng chỉ quỹ ETF có tài sản cơ sở là trái phiếu…

Tính đến nay, Fed đang tiến hành đồng thời 9 chương trình mua vào các loại tài sản, trong đó có những chương trình không giới hạn quy mô. Tại thị trường ETF, Fed trở thành một trong những chủ thể nắm giữ lượng chứng chỉ quỹ lớn nhất thế giới chỉ trong chưa đầy 2 tháng bước chân vào thị trường. Cụ thể, Fed sở hữu hơn 13 triệu chứng chỉ iShares iBoxx $ Investment Grade Corporate Bond giá trị 54 tỷ USD, là người nắm giữ lớn thứ ba, theo số liệu của Bloomberg.

Cơ quan này cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai và thứ 5 của 2 quỹ Vanguard Short-Term Corporate Bond ETF (VCSH) (trị giá 29 tỷ USD) và Vanguard Intermediate-Term Corporate Bond ETF (VCIT) (trị giá 36 tỷ USD).

Tại thị trường trái phiếu, Fed thông báo thực hiện 2 chương trình lớn với mức chi 250 tỷ USD cho thị trường thứ cấp và 500 tỷ USD mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Đây là bước đi chưa từng có của Fed, bởi cơ quan này không mua các khoản nợ trái phiếu ngay cả trong những thời kỳ suy thoái nặng nề trước đây.

Chưa hết, ngày 29/6 vừa qua, Fed tiếp tục gây ấn tượng khi công bố thực hiện chương trình cho vay 500 tỷ USD để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp lớn. Thông thường, nếu một doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu, họ sẽ thuê ngân hàng tư vấn, tiến hành. Ngân hàng liên hệ các nhà đầu tư trái phiếu lớn, đưa ra lời chào, từ đó xác định nhu cầu, thiết lập mức lãi suất. Hiện nay thì các nhà băng có thể “gọi” cho Fed và có khả năng cơ quan này sẽ mua tới 25% lượng trái phiếu sẽ phát hành.

Những hành động phóng khoáng của Fed liên tục giúp thị trường trái phiếu, chứng khoán Mỹ cũng như toàn cầu tăng điểm. Tuy nhiên, cùng với đó là những nỗi lo bong bóng tài sản khi dòng tiền đầu tư tài chính đẩy thị trường tách rời thực trạng nền kinh tế thực. Scott Minerd, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Investment cho rằng, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tại các doanh nghiệp và trên thị trường tài chính đã ở mức rất cao. Do đó, việc Fed tiếp tục bơm tiền vào thị trường qua nhiều kênh có thể gia tăng rủi ro bong bóng.

Cùng quan điểm, Peter Gailliot, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại BlackRockInc cho rằng, nhiều khả năng Fed đã vượt qua những giới hạn và các thành viên thị trường cần chuẩn bị cho những rủi ro lớn hơn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải bảo vệ những động thái chính sách mới của Fed trước Ủy ban Tài chính Quốc hội về việc, liệu cơ quan này có đang “lách luật” để thực hiện các chương trình mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp hay không? Chưa kể, ngay cả ông Powell cũng thể hiện một số lo ngại về giá trị tài sản trên thị trường, cũng như các khoản nợ tại doanh nghiệp.

TTCK Mỹ có quý II/2020 tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1998 trở lại đây trong khi làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn tiếp tục lan rộng tại Mỹ và nhiều nền kinh tế khác. Nếu Fed đã chạm hoặc vượt giới hạn “vung tiền” ra hỗ trợ, TTCK tới đây sẽ dựa vào trụ cột nào để duy trì đà lên dốc? Câu hỏi này không chỉ là mối quan tâm của nhà đầu tư Mỹ, khi mà TTCK tại đây có diễn biến tương đồng với nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả