Nếu cắt lỗ là nghệ thuật, làm sao trở thành ‘nghệ sĩ’ trên thị trường chứng khoán?
“Cắt lỗ” – công việc mà bất cứ một nhà đầu tư chứng khoán nào cũng đều không muốn phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu không hành động kịp thời và dứt khoát thì thành quả đầu tư của bạn sẽ tan thành mây khói. Hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải cắt lỗ và thực hiện cắt lỗ sao cho hợp lý là bài học mà mọi nhà đầu tư đều phải nhớ kỹ.
Một nhà đầu tư dù mới bước chân vào nghề hay dày dạn kinh nghiệm đều có khả năng mắc sai lầm. Sự khác nhau nằm ở chỗ người có kinh nghiệm sẽ có cách xử lí tối ưu hơn, thông qua việc cắt lỗ kịp thời. Trong khi đó, những nhà đầu tư mới thường cố gồng lỗ, kết quả là phải chịu thêm những thiệt hại nặng nề hơn.
Khi giao dịch cổ phiếu, ai cũng mong sẽ mua bán có lời trong khi rất ít người chấp nhận việc thua lỗ, hay thừa nhận rằng mình đã sai. Trong trường hợp cổ phiếu giảm, họ thường lấy lí do thị trường xấu, cổ phiếu không tốt, sự tác động của cộng đồng nhà đầu tư, thậm chí do "phong thủy không hợp" để đổ lỗi, chối bỏ sai lầm trong khi giá cổ phiếu vẫn tiếp tục lao dốc.
Tình huống trớ trêu hơn, khi cố gồng lỗ thì cổ phiếu rớt giá thảm hại, nhưng lúc bán ra để cắt lỗ thì cổ phiếu lại có sự hồi phục, thậm chí tăng mạnh. Lúc này, nhà đầu tư sẽ thực sự cảm thấy tuyệt vọng, và cho rằng quyết định cắt lỗ là một sai lầm.
Tại sao nhà đầu tư phải cắt lỗ?
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói: "Nguyên tắc thứ nhất, đừng bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc thứ hai, đừng bao giờ quên nguyên tắc thứ nhất".
Đa số các nhà đầu tư mới tham gia thị trường đều đã từng trải qua thua lỗ, thậm chí người có kinh nghiệm vẫn có khả năng mắc sai lầm. Thống kê cho thấy, trên thị trường chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư thành công, vậy làm sao để một người mới chơi nằm trong số đó?
Phù thủy phố Wall William O'Neil đưa ra một ví dụ: "Bạn đã bao giờ mua bảo hiểm hay chưa (bảo hiểm nhà đất, bảo hiểm ô tô hay bảo hiểm y tế)? Sau khi mua bảo hiểm nhà bạn có bị cháy không? Ô tô có bị hỏng không? Sức khỏe bạn có sao không? Nếu tất cả đều không sao, bạn có buồn khi đã lãng phí tiền mua bảo hiểm không? Nếu tiếc tiền thì sau đó bạn có mua bảo hiểm nữa hay không?".
Câu trả lời là: Bạn không biết trước những rủi ro sẽ đến hay không, do đó việc mua bảo hiểm là để bảo vệ mình và tài sản khỏi những khả năng xấu xảy ra, và đương nhiên bạn chấp nhận đó là chi phí để đổi lấy sự an toàn.
Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, nhà đầu tư cần coi những khoản thua lỗ là học phí phải trả cho thị trường, là chi phí để tránh bị "bốc hơi" tài khoản. Những khoản thua lỗ nhỏ này sẽ được bù đắp bởi các cổ phiếu thành công khác.
Trong những trường hợp cắt lỗ xong, cổ phiếu đảo chiều tăng lại thì tài khoản cũng không bị ảnh hưởng gì, vẫn còn nhiều cơ hội tiếp theo. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu giảm sâu, việc cắt lỗ sẽ vô cùng quan trọng vì đã giúp nhà đầu tư tránh được thiệt hại nặng nề.
Nguyên nhân nào dẫn đến sai lầm khiến bạn phải “cắt lỗ”
Có rất nhiều sai lầm cơ bản trong đầu tư buộc bạn phải “cắt lỗ” như: mua bán cổ phiếu chỉ theo các chỉ báo kỹ thuật, mua bán theo tin đồn, việc sử dụng margin quá nhiều hay mua bán theo khuyến nghị của người khác…Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, lý do khiến bạn phải “cắt lỗ” đến từ chính việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư của bạn.
Việc bạn lựa chọn cổ phiếu của 1 doanh nghiệp làm ăn minh bạch, lành mạnh, có thương hiệu, kết quả kinh doanh ổn định là tự bản thân bạn đã “mua bảo hiểm” cho khoản tiền đầu tư của mình.
Nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha – Warrent Buffett từng nói: “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1”.
Điều làm Warrent Buffett “không bao giờ để mất tiền” đó là việc ông luôn cố gắng làm tốt nhất việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Ông mua những doanh nghiệp tuyệt vời với giá cả phải chăng và nắm giữ chúng suốt đời mà không phải “cắt lỗ”. Thị trường về dài hạn là cỗ máy định giá hoàn hảo, và sớm hay muộn thì theo thời gian cổ phiếu rồi cũng sẽ tìm về giá trị thực của nó.
"Cắt lỗ” thế nào cho đúng?
Nhà đầu tư có thể dùng hai cách để đưa ra mức cắt lỗ trước khi ra quyết định xuống tiền vào bất cứ cổ phiếu nào.
Cách thứ nhất, xác định trước tỉ lệ cắt lỗ cắt lỗ cần thiết và cắt lỗ nếu giá giảm chạm mức đó. William O'Neil cho rằng mức cắt lỗ hợp lý là 7-8%, làm được điều này có nghĩa rằng tài khoản của nhà đầu tư đang được bảo đảm, dù là rất nhỏ, để tự bảo vệ mình khỏi những khoản lỗ có thể xảy đến.
Nhà đầu tư nên bỏ qua việc có cắt đúng đáy hay không. "Hãy bán ra để ngủ cho yên", vì khi đó chắc chắn nhà đầu tư sẽ không phải chịu lỗ thêm cho dù cổ phiếu có tiếp tục giảm. Mặt khác, sau khi cắt lỗ, cơ hội có thể sẽ đến từ những cổ phiếu tuyệt vời hơn.
Một ví dụ đơn giản, giả sử nhà đầu tư mua cổ phiếu VHM tại vùng giá 92.000 – 96.000 đồng/cp với kỳ vọng tạo hộp tích lũy sau đó tăng giá tiếp.
Tuy nhiên, vì một lý do bất kỳ cổ phiếu này đã giảm mạnh sau đó. Nếu đưa ra tỉ lệ cắt lỗ là 8%, nhà đầu tư sẽ cắt lỗ trong vùng giá dao động từ 87.000 - 88.000 đồng/cp. Việc cắt lỗ đã giúp nhà đầu tư tránh được hơn một nửa thiệt hại khi cổ phiếu về 78.000 đồng/cp.
Như vậy, nhờ việc cắt lỗ, nhà đầu tư có thể bán ra cổ phiếu VHM với mức lỗ dưới 8%. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ, mức thiệt hại nhà đầu tư phải chịu khi giá về 78.000 đồng/cp là hơn 16%, gấp đôi so với khi cắt lỗ.
Bên cạnh việc xác định trước tỉ lệ cắt lỗ cố định, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng điểm cắt lỗ dựa trên các mô hình hay chỉ báo kỹ thuật chẳng hạn như giá cổ phiếu thủng đáy, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, phân kỳ RSI, MACD, …
Các chỉ báo kỹ thuật có thể dùng để chọn điểm cắt lỗ cho cổ phiếu
Đường trendline
Trendling là một đường thẳng để xác định xu hướng của giá trong một khung thời gian, được vẽ bởi hai đáy hoặc hai đỉnh gẩn nhau. Trong xu hướng tăng, đường này đóng vai trò là hỗ trợ là ngược lại, trong xu hướng giảm nó sẽ là kháng cự. Do vậy, nhà đầu tư có thể sử dụng đường trendline để cắt lỗ.
Đường trung bình động (MA)
Đường trung bình động là đường xây dựng dựa trên giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu trong một số phiên nhất định (ví dụ MA20 được xây dựng dựa trên trung bình giá 20 phiên), dùng để xác định xu hướng của thị trường và đưa ra tín hiệu về sự đảo chiểu.
Khi giá cổ phiếu cắt lên trên đường MA hoặc đường MA ngắn hạn cắt lên được MA dài hạn, thường báo hiệu xu hướng tăng và ngược lại, khi giá cắt xuống MA hoặc MA ngắn hạn cắt xuống MA dài hạn thường báo hiệu xu hướng giảm.
Vùng hỗ trợ (hộp Darvas)
Bản chất của hộp Darvas là một vùng giá tích lũy đi ngang của cổ phiếu, tin hiệu mua và bán xuất hiện khi giá phá vỡ hộp này. Khi giá bật lên khỏi cạnh trên của hộp sẽ cho tín hiệu tăng, ngược lại khi giá phá vỡ cạnh dưới của hộp sẽ cho tín hiệu giảm
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo này đo lường các thay đổi về giá của cổ phiếu và dao động từ 0-100. Khi giá tăng đường RSI hướng lên trên, khi giá giảm RSI hướng xuống; đường RSI càng dốc cho thấy xu hướng của cổ phiếu càng mạnh. Trường hợp cổ phiếu tăng mạnh, khi đường RSI vượt mức 70 cổ phiếu sẽ rơi vào tình trạng quá mua và dễ xuất hiện đảo chiều đi xuống. Ngược lại khi RSI giảm xuống dưới 30 cổ phiếu rơi vào tình trạng quá bán, lúc náy giá cổ phiếu rất dễ có khả năng đảo chiều tăng lại.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tìm thấy tín hiệu mua bán qua tín hiệu phân kỳ RSI. Cụ thể, nếu đỉnh giá sau cao hơn đỉnh trước trong khi đỉnh sau RSI lại thấp hơn đỉnh trước, lúc này phân kỳ âm sẽ xuất hiện cho tín hiệu đi xuống. Ngược lại, nếu đỉnh giá sau thấp hơn đỉnh trước trong khi đỉnh sau RSI lại cao hơn, cổ phiếu sẽ có thể đảo chiều đi lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận