Nếu 39 người còn được sống...
Kinhtedothi - Nếu 39 người di cư được tìm thấy trên container ở hạt Essex hôm 23/10 may mắn còn sống sót lúc này, không ai dám chắc một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến với họ nơi “miền đất hứa” trước thực tế, nước Anh hiện là điểm nóng thế giới về bóc lột lao động - nô lệ hiện đại.
2 câu chuyện - 1 số phận
Sáng ngày 25/10/2013, cảnh sát hạt Derbyshire ập vào một ngôi nhà 2 tầng dường như bị bỏ hoang từ lâu tại khu ngoại ô Chesterfield và phát hiện ra rằng, một trang trại cần sa quy mô lớn, trị giá hàng nghìn bảng Anh, đang được chăm sóc tại đây bởi một nam thiếu niên người Việt. Cậu bé giật tỉnh từ giấc ngủ trên tấm nệm trải nơi phòng khách khi cảnh sát phá cửa, lui vào một góc khi bị bao vây bởi những người mặc cảnh phục đưa ra các câu hỏi bằng tiếng Anh mà cậu không thể hiểu được. “Tôi đã rất sợ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng sau đó tôi tin rằng có lẽ họ đến để giải cứu tôi”, Minh (nhân vật đã được đổi tên) chia sẻ với The Guardian.
Minh đến Anh trong một chiếc xe tải đón container ở cảng Dover vào tháng 6/2013. Thiếu niên 16 tuổi lúc đó không biết mình chính xác đang ở đâu, chỉ biết đã rời Việt Nam theo lời hứa về một công việc đổi đời ở châu Âu. Trong 3 tháng bị nhốt tại căn nhà không chút ánh sáng tự nhiên ở Anh, Minh chỉ được tiếp xúc với một số người đàn ông Việt, thường xuất hiện tại nhà một lần sau vài tuần để kiểm tra xem cậu có chăm sóc cây đúng cách hay không.
Tuy nhiên họ hầu như không nói chuyện với Minh, chỉ để lại những hộp thịt đông lạnh hết hạn và khóa trái cửa trước khi rời đi. Minh lúc nào cũng đói và sợ hết thức ăn, trong khi đau đầu và buồn nôn vì mùi của nụ cần sa tràn ngập. Mọi cố gắng bỏ trốn của Minh dường như lụi tàn khi những người đàn ông đưa cho cậu xem một mảnh giấy cho thấy khoản nợ 20.000 Bảng của Minh cho chuyến đi từ TP Hồ Chí Minh tới Nga, qua Đông Âu để đến Pháp và cuối cùng vào Anh bằng xe container. Những người đàn ông cũng tuyên bố biết địa chỉ gia đình Minh ở quê nhà, phòng khi cậu không trả hết nợ, họ sẽ giết bố mẹ cậu.
Theo The Guardian, Minh là một trong hàng trăm thanh thiếu niên bị buôn bán từ châu Á và Đông Âu mỗi năm tới Vương quốc Anh. Đây là một phần trong cỗ máy tội phạm rộng lớn đang cung cấp nhân công cho chợ đen cần sa trị giá 2,6 tỷ Bảng Anh. Những người như Minh là nguồn lao động quý giá cho những chủ trang trại cần sa bởi: Giá rẻ, tùy ý sử dụng và dễ kiểm soát. Nhiều người chủ động thực hiện hành trình rời quê nhà, trả cho những kẻ buôn lậu tới 30.000 Bảng với lời hứa được làm việc trong cộng đồng người đồng hương “đang phát triển mạnh tại Anh”.
Trên thực tế, nếu không phải các trang trại cần sa, đó có thể là nhà thổ, tiệm làm móng hay những gia đình cần người giúp việc, nhưng với chất lượng sống không khá hơn Minh là bao. Ngày cảnh sát đột kích vào trại cần sa ở Chesterfield đã giải thoát Minh khỏi những kẻ buôn người, nhưng thử thách với cậu chưa kết thúc. Với luật nhập cư của Anh, Minh bị xem là tội phạm thay vì là nạn nhân trong suốt một thời gian dài sau đó.
Thực tế này còn cay đắng hơn trong trường hợp của Bohai (nhân vật đã được đổi tên) - một nô lệ hiện đại ở Anh đến từ Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện của mình với Financial Times. Sau khi chạy khỏi một khu tập thể tồi tàn ở Cardiff, với bàn tay trái bị chặt mất một ngón từ lần trốn bất thành trước đó, Bohai lên tàu tới Manchester. Không có tiền và giấy tờ tùy thân đã bị đốt, anh vẫn cố làm việc lặt vặt để đổi lấy thức ăn và chỗ ở.
Cuối cùng, một người bản địa khuyên anh tìm luật sư để xin xác nhận là “nạn nhân buôn người tiềm năng”. Sau gần 2 năm chờ đợi, Bohai phát hiện ra hồi đầu năm nay rằng anh không thuộc danh sách công dân các nước ngoài EU được Chính phủ London công nhận là nạn nhân nô lệ hiện đại. Anh nói rằng sự từ chối này như khiến anh rơi vào ngõ cụt, lờ mờ nhận ra một tương lai lại rơi vào tay những kẻ đã từng chỉ trả thuốc lá và cà phê cho anh, sau 12 giờ/ngày làm việc tại công trường xây dựng.
Luật pháp thất bại
Chế độ nô lệ vốn được an tâm rằng đã lùi xa, với hình thức buôn bán người xuyên Đại Tây Dương dường như đã chấm dứt hơn 250 năm qua. Thế nhưng loạt số liệu “biết nói” đang phủ nhận quan niệm sai lầm này: Theo thống kê Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2018, 41 triệu người vẫn còn mắc kẹt trong chế độ nô lệ trên khắp thế giới. Trong đó tại Anh, số nạn nhân được ghi nhận là 136.000 người - cao hơn nhiều so với con số 13.000 người mà Chính phủ London công bố. Trong vòng 1 năm, từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018, cảnh sát Anh ghi nhận 3.773 trường hợp phạm tội nô lệ hiện đại bị phát hiện.
Đáng nói, chế độ nô lệ ngày nay thường khó xác định hơn, khi những xiềng xích dễ thấy trong quá khứ được thay thế bằng các hình thức ép buộc và kiểm soát bởi những khoản nợ, lừa đảo hay lời hứa hão huyền, bên cạnh bạo lực và đe dọa về thể xác. Nô lệ hiện đại chủ yếu bị giữ kín trong các khu lao động biệt lập, hoặc dưới sự giám sát ngầm 24/7 ở những dịch vụ công khai. Báo cáo Nô lệ hiện đại Anh Quốc năm 2018 xác định 4 ngành nghề sử dụng nô lệ cao nổi bật Xứ sương mù hiện nay gồm: Rửa xe thủ công, xây dựng, phục vụ tại gia và dịch vụ làm móng. Trong đó, Albania, Trung Quốc và Việt Nam theo thứ tự xếp đầu danh sách các quốc gia có số lượng công dân là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ở Anh.
Trên thực tế, nhiều lời hứa đã được Chính phủ London thực hiện để xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại. Năm 2015, Anh thông qua Đạo luật nô lệ hiện đại, đòi hỏi tất cả các DN phải đảm bảo chế độ cho nhân công trong toàn chuỗi cung ứng của mình. 2 năm sau đó, cựu Thủ tướng Theresa May công bố một quỹ trị giá 33 triệu Bảng Anh và một đội đặc nhiệm chuyên rà soát hoạt động khai thác lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, Trung tâm tài nguyên nhân quyền và kinh doanh của Anh (BHRRC) ghi nhận rằng, 4 năm kể từ khi Đạo luật nô lệ hiện đại chính thức có hiệu lực, nó đã thất bại trong việc đưa ra bất cứ cải thiện nào, khi số vụ vi phạm bị phát hiện năm 2018 thậm chí tăng tới 159% so với năm trước đó.
Tháng 7 năm nay, cảnh sát Anh đã triệt tiêu đường dây nô lệ hiện đại lớn nhất nước này từ trước đến nay sau một cuộc điều tra kéo dài suốt 4 năm. Khoảng 400 lao động bị lừa bán vào Anh đã được giải cứu, với nhiều người đang làm ra các thành phẩm cung cấp cho nhiều trung tâm lớn như Tesco, Sainsbury's, Homebase… Những mâu thuẫn giữa các chính quyền trong chính sách nhập cư được chỉ ra là lý do đã hạn chế nghiêm trọng hiệu quả của các chương trình chống nô lệ, khiến người di cư trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.
Thách thức hơn từ Brexit
Một chính sách quản lý nhập cư có vấn đề đang khiến quốc gia tiến bộ như nước Anh chìm trong vấn nạn lao động cưỡng bức - được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn nữa một khi Brexit hoàn tất. Một khi luật Tự do di chuyển trong một phần khối EU bị hủy bỏ đối với Anh, các tuyến di cư hợp pháp đóng cửa và các DN Anh phải chịu sự thiếu hụt lực lượng lao động lớn, nạn buôn người và lao động bóc lột sẽ gia tăng để lấp đầy khoảng trống.
Trong khi đó, các chương trình Visa tạm thời của Anh cũng đang được nhắm đến bởi người nhập cư hậu Brexit, đặc biệt là chương trình Nông nghiệp theo mùa hiện đang được thí điểm. Có nhiều vấn đề với các chương trình như vậy, chẳng hạn việc người nộp đơn bị ràng buộc với một chủ nhân duy nhất và không thể thay đổi tình hình của họ. Họ không thể đưa gia đình đến Vương quốc Anh hay sử dụng nghề nghiệp của họ để định cư.
Do đó, người sử dụng lao động có thể đe dọa những người lao động về việc bị trục xuất nếu họ không chấp nhận điều kiện làm việc bóc lột. Người lao động có thể bị trả lương thấp và thậm chí chịu một khoản nợ do người sử dụng lao động tự vẽ nên. Đây sẽ là nan đề cần nhanh chóng giải quyết với Chính quyền London một khi Brexit thành công - phần nào để danh sách, bao gồm các thảm kịch Dover - năm 2000, Morecambe - năm 2004, hay Essex - năm 2019 không tiếp tục nối dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận