Nền thanh khoản tích cực giai đoạn này sẽ giúp TTCK tránh được nhịp giảm sâu
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mặc dù chịu áp lực bán và rung lắc khá mạnh khi chỉ số VN-Index tiệm cận đỉnh cũ tại vùng 1.250 điểm. Tuy nhiên, cùng với các yếu tố nền tảng về kinh tế vĩ mô, sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết, nền thanh khoản tích cực giai đoạn này sẽ giúp thị trường tránh được nhịp giảm sâu.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, TTCK trong nước đang trong giai đoạn kiểm nghiệm lại đỉnh cũ nên khó tránh khỏi rung lắc để tạo mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, điểm số trong bối cảnh hiện tại không quan trọng bằng thanh khoản.
“Bởi thực chất thanh khoản thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào dòng tiền. Dòng tiền lớn sẽ giúp thanh khoản tăng, thanh khoản tăng sẽ giúp thị trường có xu hướng tăng lên và khi đó điểm số tăng lên đến bao nhiêu thì cũng khó mà xác định được. Chính vì vậy, yếu tố quan trọng nhất cho một thị trường tích cực đó là dòng tiền”, ông Đỗ Bảo Ngọc phân tích.
Trong một báo cáo mới phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, trong suốt giai đoạn phục hồi từ cuối tháng 4/2023 đến nay, thanh khoản thị trường đã liên tục bùng nổ và đạt mức trung bình trên 20.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 8/2023. Đây là mức thanh khoản tương đương giai đoạn đỉnh cao của TTCK ở năm 2021, qua đó phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối 2023.
“Tâm lý của cá nhân đã lạc quan trở lại với việc mua ròng hơn 4,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với tổng mức bán ròng gần 2 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng trước đó”, chuyên gia của TPS cho biết thêm.
Còn bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, đi cùng với đà tăng của chỉ số, thanh khoản trên cả 3 sàn cũng có sự khởi sắc khi liên tục xuất hiện nhiều phiên giao dịch “tỷ đô”.
Mặc dù thanh khoản trung bình phiên trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Song trong 3 tháng gần đây, thanh khoản đã bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương. Thanh khoản trung bình phiên của cả 3 sàn chứng khoán trong quý 3/2023 cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 68% so với 2 quý đầu năm 2023.
“Tôi cho rằng, sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân với TTCK chủ yếu được yểm trợ bởi yếu tố xu hướng lãi suất giảm đã rõ nét. Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất đã giảm khoảng 150 - 200 điểm cơ bản so với đầu năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước hầu hết đã giảm xuống dưới 6%, gần tương đương với thời điểm Covid-19”, bà Khánh Hiền nói.
Theo số liệu mới nhất vừa được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 188.298 tài khoản trong tháng 8/2023. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là nòng cốt với 188.165 tài khoản mở mới. Đây là con số tài khoản mở mới kỷ lục của thị trường trong vòng hơn 1 năm kể từ tháng 7/2022 và tăng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7/2023.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết thêm, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 8 ở khoảng 6,9%, điều chỉnh nhẹ so với tháng trước (7,2%) do lợi nhuận toàn thị trường chưa phục hồi kịp với đà tăng của VN-Index.
Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10 - 11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ quý III/2023, mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm xuống 6%/năm vào cuối năm 2023 và kênh chứng khoán sẽ cải thiện sức hấp dẫn so với kênh tiền gửi tiết kiệm./
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận