Nên nắm giữ các cổ phiếu nào trong tháng 3?
Theo VDSC, với mức PE thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng thấp kể từ giai đoạn 2012-2013, có thể thu hút dòng tiền nội nhiều hơn trong những tuần cuối tháng 3/2019.
Trong phiên giao dịch ngày 9/3, sàn HoSE chỉ có 34 mã tăng, trong khi có đến 368 mã giảm, trong đó có 173 mã giảm sàn. Dòng tiền "bắt đáy" nhập cuộc với thanh khoản sàn HoSE lên đến 5.470 tỷ đồng và HNX lên đến 893 tỷ đồng, nhưng chẳng thấm vào đâu. Lực bán mạnh đẩy hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.
Diễn biến khó lường của dịch COVID-19, cùng việc giá dầu thế giới lao dốc mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường tài chính Thế giới. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các chỉ số đều giảm sâu ngay từ những phút mở cửa. Hàng loạt cổ phiếu trong VN30 đều giảm sâu, thậm chí nhiều mã giảm sàn "trắng bên mua". Nhiều cổ phiếu Bluechips tiếp tục giảm sàn, tác động tiêu cực tới chỉ số như BVH, GAS, STB, HVN, PLX, VRE, BID, SSI, VCB, VNM...
Nhóm dầu khí GAS, PVS, PVD, PVB, PVT, PXS… cũng đồng loạt giảm sàn. MSN sau những phút tăng điểm giữa phiên đã chịu áp lực bán mạnh và đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có những phiên dư bán sàn chất đống hàng chục triệu đơn vị, như CTG, STB, SHB...
Theo bà Nguyễn Phương Lan- Chuyên gia phân tích của Ban Chiến lược- Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ảnh hưởng từ sự lây lan không mong đợi của dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đang làm gia tăng những lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến bán ròng tại thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Là một trong những thị trường cận biên có tính thanh khoản cao, TTCK Việt Nam rõ ràng cũng chịu chung áp lực bán ròng trong môi trường tâm lý thận trọng trước rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư chưa nên tham gia bắt đáy ở những cổ phiếu được nắm giữ nhiều bởi khối ngoại trong giai đoạn này.
Việc nối lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào cho hoạt động của các ngành dệt may, giày dép, điện và điện tử là quan trọng trong giai đoạn này. Do phần lớn hàng hóa đầu vào của các nhóm ngành này được cung ứng bởi Trung Quốc (trên 30%), việc Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh (đã qua đỉnh điểm) và bắt khôi phục các hoạt động sản xuất sẽ rất quan trọng. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư cần liên tục theo dõi.
Cuối tuần qua,Chính phủ đã quyết định tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19.
Bà Lan nhấn mạnh, các gói tài khóa và tiền tệ nếu được áp dụng đúng cách, sẽ phần nào giải tỏa tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, cho đến nay các dấu hiệu khôi phục hoạt động chưa rõ ràng. Do đó, VDSC vẫn đánh giá thận trọng về triển vọng đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, thực phẩm đồ uống, vận tải, dệt may, dầu khí và giáo dục.
Bỏ qua viễn cảnh ảm đạm do dịch COVID-19, mùa ĐHCĐ và IPO sắp tới của VN Diamond sẽ cân bằng triển vọng cho thị trường. "Với mức PE thị trường đang ở vùng thấp kể từ giai đoạn 2012-2013, có thể thu hút dòng tiền nội nhiều hơn trong những tuần cuối tháng 3/2019", bà Lan nhận định.
Theo bà Lan, các nhà đầu tư có thể phân bổ một phần danh mục đầu tư cho các cổ phiếu có triển vọng liên quan đến các yếu tố nói trên vào thời điểm đó. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này…
Các cổ phiếu mà VDSC khuyến nghị nắm giữ trong tháng 3 này, bao gồm: Cổ phiếu dược phẩm: PME, IMP; Cổ phiếu công nghiệp: REE, DRC; Cổ phiếu ngân hàng: VPB ; Cổ phiếu bán lẻ: PNJ và theo dõi diễn biến COVID-19: ACV, SCS, VHC...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận