24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Trung Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nền kinh tế xanh:Thay đổi tư duy của cả các cá nhân và nhà nước

Tất cả những thất bại thị trường đều cho thấy cần có sự can thiệp của Chính phủ vì việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường vừa là vì lợi ích cộng đồng, vừa là lợi ích toàn cầu.

Chính sách môi trường và tăng trưởng kinh tế không phải thay thế mà là bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, chỉ có thể thay đổi dần dần các hành vi cá nhân do một số thất bại của thị trường.

LTS:Trong báo cáo mới phát hành với chủ đề “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy điểm đáng chú ý, Việt Nam đang trong tình trạng khẩn cấp khi xét đến thiệt hại đối với môi trường. Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng mô hình tăng trưởng hiện nay, chủ yếu dựa trên sự tích lũy đơn giản của các yếu tố sản xuất cần phải được thay đổi. Trong đó, Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến hành vi cá nhân và tập thể.

Theo WB, Việt Nam cần xác định liệu tăng trưởng trong tương lai có nên tiếp tục theo con đường hiện tại hay chuyển sang hướng tăng trưởng xanh hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phân tích ngắn gọn ở bài trướccho thấy nhu cầu cấp bách khi đất nước đang chứng kiến sự xuống cấp nhanh chóng của tài nguyên thiên nhiên, cùng với quản lý rác thải, ô nhiễm không khí, lũ lụt và nhiệt độ tăng. Điều này giải thích tại sao giá trị của tài sản tự nhiên của Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, điều này sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Những thiệt hại này không tính đến tất cả các chi phí gián tiếp của môi trường xuống cấp đối với nền kinh tế, có thể có nhiều hình thức khác nhau. Vốn nhân lực có thể giảm vì chất lượng không khí kém và ô nhiễm sông và các vùng nước ven biển có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Theo một nghiên cứu toàn cầu về gánh nặng bệnh tật, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu ở Việt Nam vào năm 2017. Ngoài những ngày lao động bị mất do bệnh tật, sức khỏe giảm có thể đặt gánh nặng cao hơn cho hệ thống y tế và tài chính của Chính phủ.

Một phân tích kinh tế gần đây cho thấy nếu nước thải vẫn không được xử lý, năng suất lao động sẽ thấp hơn 7% vào năm 2035 so với năm 2012, điều này sẽ làm giảm 3,5% thu nhập quốc dân. Ô nhiễm cũng có tác động phức tạp hơn. Vì hậu quả của việc tiếp xúc với các chất độc hại có thể nghiêm trọng, mọi người có thể đầu tư hoặc thay đổi hành vi để tránh chúng. Mọi người ứng phó với ô nhiễm bằng cách đầu tư vào bảo vệ, chẳng hạn như bộ lọc không khí tốn kém hoặc làm lớp cách nhiệt nhà. Hoặc họ có thể thay đổi hành vi như tránh ra ngoài trong thời gian ô nhiễm cao. Về lâu dài, ô nhiễm có thể có những tác động dai dẳng hơn, bao gồm cả những ảnh hưởng do tiếp xúc với ô nhiễm sớm trong những năm đầu đời hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ khi sinh.

Vốn sản xuất của đất nước cũng bị ảnh hưởng lớn bởi sự xuống cấp của môi trường, cả trong các lĩnh vực như du lịch và giao thông. Một trong những ngành rủi ro nhiều nhất là nông nghiệp. Tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đã giảm từ 57% mỗi năm trong giai đoạn 2001-2010 xuống còn khoảng 40% trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng này tương đối thấp so Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan (trên 80%). Mặc dù nông dân cho rằng nguồn cung cấp nước đáng tin cậy vì chỉ có 8% gặp sự cố mất nước, chất lượng nước kém là vấn đề đáng quan tâm hơn. 14% các doanh nghiệp cho biết chất lượng nước kém là một trở ngại lớn hoặc rất nghiêm trọng đối với kinh doanh. Các nghiên cứu gần đây dự đoán tác động của ô nhiễm đến sản xuất lúa nước có thể làm giảm sản lượng khoảng 18% vào năm 2035.

Giờ đây ngày càng có sự đồng thuận hơn về chi phí hiện tại và tiềm năng liên quan đến những thiệt hại về môi trường đang gia tăng. Mọi người đều đồng ý rằng chính sách môi trường và tăng trưởng kinh tế không phải thay thế mà là bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, chỉ có thể thay đổi dần dần các hành vi cá nhân do một số thất bại của thị trường. Đây là vấn đề được khá nhiều người biết đến nhưng là cốt lõi của tình trạng lưỡng nan chính sách ở Việt Nam và các nước khác. Rõ ràng nhất là sự chênh lệch về thời gian vì lợi ích của các can thiệp sẽ tăng theo thời gian trong tương lai, trong khi chi phí môi trường lại phải trả ngay lập tức.

Ví dụ, những người đang thực hiện các hoạt động không phải trả phần lớn các tác động của khí thải, mà lại là thế hệ tương lai và chi phí trong tương lai này không được phản ánh trong giá hiện tại. Do đó, những tác động bất lợi của khí nhà kính là “ngoại ứng” đối với thị trường, có nghĩa là thường chỉ có các động cơ về đạo đức, chứ không phải là kinh tế, khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm lượng khí thải. Do đó, thị trường thất bại vì phát thải quá nhiều khí nhà kính, và các cá nhân vẫn duy trì mức tiêu thụ như hiện tại hoặc trì hoãn các quyết định của mình, đặc biệt khi chi phí môi trường của việc không hành động gì chưa chắc chắn. Ở một đất nước nghèo, nhiều cá nhân có thể không đầu tư vào các công nghệ mới và sạch vì gặp khó khăn về tài chính.

Một thất bại khác của thị trường là các cá nhân có thể sẽ đầu tư ít hơn mức cần thiết từ góc độ tập thể, vì lợi ích cá nhân thấp hơn so với lợi ích của xã hội. Ví dụ, một hộ gia đình sẽ không đầu tư vào năng lượng mặt trời vì lợi ích của chính gia đình đó thấp hơn lợi ích đối với mọi người. Ngoài ra, hộ gia đình đó có thể đợi nhà khác đầu tư trước vào các công nghệ mới này để họ cũng có thể hưởng lợi từ không khí sạch hơn. Vì những thách thức về môi trường không dừng lại ở biên giới quốc gia (ví dụ, rác nhựa đi qua các đại dương), phát triển nền kinh tế xanh mang tính chất toàn cầu.

Một thất bại thị trường có liên quan rõ ràng là nhiều cá nhân có khả năng tiếp cận rất hạn chế đến thông tin công cộng hoặc không có khả năng phân tích thông tin. Nói tóm lại, tất cả những thất bại thị trường này đều cho thấy cần có sự can thiệp của chính phủ vì việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường vừa là vì lợi ích cộng đồng, vừa là lợi ích toàn cầu.

Những thất bại thị trường này cần một nhóm các giải pháp của nhà nước. Hiện nay, Việt Nam đã có hầu hết các khung pháp lý cần thiết để đảm bảo các nguồn tài nguyên không thể phục hồi được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, kinh tế và hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách môi trường, do trung ương ban hành và địa phương thực hiện, còn chậm và những hành vi vi phạm hiếm khi bị xử phạt. Chính phủ không đánh giá một cách có hệ thống những tác động môi trường trong hầu hết các dự án đầu tư. Hơn nữa, việc sử dụng thuế và phí đối với tài nguyên thiên nhiên và các hàng hóa và dịch vụ môi trường khác không minh bạch, gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn thu được tái đầu tư vào vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng và vốn tự nhiên.

Những thất bại này thường bắt nguồn từ vấn đề kém hiệu quả về thể chế lớn hơn cần được giải quyết. Các vấn đề đó bao gồm sự phân mảnh trong quá trình ra quyết định, vì các chính sách môi trường thường đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương và giữa chính quyền trung ương và địa phương. Quá trình thực hiện cải cách chậm và không đồng đều có nguyên nhân từ hoạt động quản lý đầu tư công và kiểm soát (nội bộ cũng như độc lập) còn yếu. Cuối cùng, các quy định được thực thi chưa nghiêm một phần là do tham nhũng và những hạn chế trong hệ thống tư pháp.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chiến lược và kế hoạch hành động để hoàn thiện môi trường pháp lý và thể chế cho nền kinh tế xanh. Ngoài các chiến lược quốc gia và cam kết ở cấp quốc tế, 7 bộ và 34 tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh. Ngoài ra, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng đều đang có nhiều giải pháp để giảm cường độ phát thải khí nhà kính, và phát triển các nguồn năng lượng sạch thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Các chính sách này bao gồm Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và các chính sách ưu đãi về giá mua điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, cũng như chính sách cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và xử lý chất thải. Chính phủ cũng khuyến khích các giải pháp sản xuất xanh thông qua rà soát và điều chỉnh các kế hoạch ngành hiện có, hỗ trợ tăng năng suất và giảm ô nhiễm, và đầu tư vào phát triển vốn tự nhiên.

Song song với đó cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy các thành phố xanh và tiêu dùng bền vững, thông qua Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, và 24 trong số 59 thành phố đã ban hành văn bản để chỉ đạo và xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Chính phủ đã phân bổ vốn cho các dự án tăng trưởng xanh, bao gồm các chương trình đầu tư giao thông công cộng, và Ngân hàng Nhà nước đã tích hợp và xây dựng các giải pháp và chương trình tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thực hiện những dự án góp phần bảo vệ môi trường có góp phần bảo vệ môi trường và hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả