Nền kinh tế và TTCK Mỹ - Đoạn cuối của thiên đường
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã có xấp xỉ 4.000 ngày (11 năm) lập kỷ lục trong thị trường con bò tót (thị trường giá lên), cùng hướng với nền kinh tế tăng trưởng liên tục qua 3 nhiệm kỳ tổng thống. Kỷ lục này là chuỗi tăng trưởng dài nhất lịch sử gây hứng khởi cho giới đầu tư, giới phân tích và người dân. Nhưng mọi thứ có thể sẽ thay đổi trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên bộ phim gây nhiều cảm xúc này có lẽ đã đang ở hồi kết khi vào tuần cuối cùng của tháng 2 CK Mỹ giảm cực mạnh, chỉ số Dow Jones 30 công nghiệp (DJ30) đánh mất tới 3.000 điểm trong tuần, Nasdaq, S&P500 cũng chịu chung số phận. Trong đó ngày 27/2 là ngày mà DJ30 có mức giảm mạnh nhất lịch sử tính theo ngày cho thấy sự hoảng loạn lan rộng.
Tuần cuối tháng 2 cũng đánh dấu cả 3 chỉ số CK Mỹ đều có tuần giảm mạnh nhất 12 năm qua (kể từ khủng hoảng kinh tế tài chính 2008). Dow Jones rớt thảm hơn 12%, S&P 500 sụt mất 11.5% và Nasdaq bám theo sát với mức 10.5%. Đầu tháng 3 mức giảm bớt đi và có những phiên phục hồi nhờ CT FED cứu lại phần nào khi ông cho biết FED sẵn sàng “hành động thích hợp” kèm theo việc FED hạ LS nửa điểm phần trăm do lo ngại bệnh dịch tiếp tục gây ảnh hưởng kinh tế. TT Mỹ cũng kêu gọi mọi người hãy mua CP và cáo buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã làm cho các NĐT hoảng sợ.
Tuy vậy giới đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ “hành động thích hợp” của FED dù rằng FED và các NHTW khác vẫn muốn hạ LS, nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. NĐT hoài nghi việc hạ lãi suất có tác dụng gì trong bối cảnh khủng hoảng về sức khỏe hiện tại sẽ đe dọa đến nguồn cung và nhu cầu trong nền kinh tế. Và dù các NHTW có làm gì đi chăng nữa, các nhà máy không thể sản xuất hàng hóa nếu họ không thể nhập nguồn nguyên vật liệu cần thiết từ các nước sản xuất. Người tiêu dùng cũng khó chi tiêu nếu họ không dám rời khỏi nhà. Kết quả là các DN sẽ gặp khó, hiệu quả kinh doanh đi xuống và dĩ nhiên giá CK sẽ ảnh hưởng. NĐT cũng tin tưởng vào cơ quan chuyên môn như CDC nhiều hơn khi các quan chức hàng đầu của CDC cảnh báo tác động của virus Corona đối với Mỹ có thể rất lớn và việc dịch lan rộng hơn ở Mỹ là "không thể tránh được“ đã phủ bóng đen lên TTCK Mỹ.
𝑻𝒉𝒂̂́𝒚 𝒈𝒊̀ 𝒒𝒖𝒂 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒄 𝒄𝒖̀𝒏𝒈 𝒄𝒉𝒊𝒆̂̀𝒖 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒂̉ 𝑼𝑺𝑫, 𝒗𝒂̀𝒏𝒈 𝒗𝒂̀ 𝑪𝑲 𝑴𝒚̃
Giá vàng giảm cực mạnh chung với CK Mỹ và có ngày giảm tới gần 5%, mức mạnh nhất trong 7 năm (từ 2013). Trong lịch sử việc vàng với CK Mỹ đi chung chiều đã có nhiều giai đoạn, trừ giai đoạn dài 2011 – đầu 2018 là ngược nhau. Nhưng thường 2 sản phẩm này luôn đi ngược với USD, tuy vậy 2011-2018 thì CK Mỹ đi ngược vàng và cùng chiều USD, từ đầu 2020 thì vàng và USD cùng chiều và ngược với CK Mỹ. Tuy vậy thời gian qua cả 3 sản phẩm này đều cùng chiều là điều bất thường báo hiệu những bất ổn nội tại bên trong thị trường tài chính. Vì thông thường USD luôn ngược chiều với vàng, CK và các loại hàng hóa do USD là đồng tiền định giá chính trong giao thương nên khi USD tăng giá sẽ làm áp lực lên các sản phẩm khác và ngược lại. Do đó USD tăng chưa bao giờ là tin tốt cả. Việc USD đi cùng chiều với CK Mỹ được xem là xấu mức độ 1, cùng chiều với vàng là xấu mức độ 2 nhưng cùng chiều với cả 2 được xem là siêu xấu, đặc biệt khi cả 3 cùng đi xuống nghĩa là hầu hết các sản phẩm trên thị trường tài chính đều bị bán tháo. Kể cả khi đi lên đây cũng không phải là tin tốt bởi vì nó sẽ khiến giá cả mọi loại hàng hóa trở nên quá đắt nên chúng ta thấy ông Trump luôn phàn nàn và gây áp lực lên FED không phải giảm LS mà mục đích chính là muốn giảm giá đồng đô la. Nếu các nước khác cũng có hành động tương tự sẽ bị Tổng thống Mỹ xếp ngay vào danh sách thao túng tiền tệ để trừng phạt đồng thời cáo buộc các nước đánh cắp việc làm của người Mỹ hoặc gây tác động xấu đến kinh tế Mỹ.
𝑻𝒖̛𝒐̛𝒏𝒈 𝒍𝒂𝒊 𝒏𝒂̀𝒐 𝒄𝒉𝒐 𝑪𝑲 𝑴𝒚̃
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng như vũ bão suốt hơn chục năm qua là động lực hỗ trợ chính cho TTCK tuy nhiên xu hướng tăng trong bức tranh này đã có nhiều gam màu tối khi đà tăng trưởng đang chậm lại, nhiều chỉ tiêu kinh tế như PMI, sản xuất công nghiệp, chi tiêu dùng đều sụt giảm…đã làm các dòng tiền lớn giảm bớt chảy vào TTCK, thậm chí rút ra đổ vào các kênh khác. TTCK Mỹ trong vài năm qua đã có những thời điểm giảm cực mạnh nhưng rồi với sức sống mãnh liệt để thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ lấy lại những gì đã mất và tiếp tục đạt các mốc cao mới. Tuy nhiên có lẽ đã đến hồi kết của bộ phim dù hấp dẫn nhưng đã quá dài này khi đã có quá nhiều các yếu tố không ủng hộ hoặc giảm dần sự hỗ trợ cho thị trường đang xuất hiện dày đặc hơn:
Từ năm 2018 tới đầu năm 2020 số liệu từ nhiều định chế tài chính cho thấy dù TTCK vẫn lên nhưng dòng tiền rút ra khỏi thị trường CP và chuyển sang TPCP, vàng. Cụ thể trong 11 tháng kể từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của cổ phiếu trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng đón nhận dòng vốn 372 tỷ USD. Riêng chỉ trong 1 tuần tháng 12/2019 Bank of America cho biết các quỹ trái phiếu đã thu hút được 9,1 tỷ đô la trong khi chứng kiến 1,7 tỷ đô la chảy ra khỏi các quỹ đầu tư CP. Khởi đầu tuần đầu năm 2020 giới đầu tư cũng đã rút 13,1 tỷ USD ra khỏi các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF nắm giữ chứng khoán Mỹ. Đây là đợt rút vốn lớn nhất ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ kể từ tháng 9/2019. Trong cùng thời điểm NĐT lại đổ 24,7 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu đánh dấu tuần rót vốn lớn nhất kể từ năm 2013.
Nhiều tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế bắt đầu có những dự báo lo ngại nhiều hơn về TTCK Mỹ. Như Joseph Davis, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Vanguard. Quỹ Vanguard – vốn quản lý tới 5,6 ngàn tỷ USD (hàng đầu TG) và nổi tiếng về các sản phẩm đầu tư chỉ số và chiến lược đầu tư thụ động. Ông nhận thấy 50% khả năng thị trường điều chỉnh trong năm 2020, cao hơn con số 30% của đánh giá trước đó.
Nhu cầu đầu tư an toàn không có dấu hiệu giảm sút, dòng tiền rút ra khỏi các kênh mạo hiểm như CK, BĐS…tìm nơi trú ẩn chảy vào các “vịnh tránh bão” như vàng nên CK Mỹ khó mà có thể một mình một ngựa được nhất là khi tỷ suất sinh lời quá cao hơn chục năm nay.
Dòng tiền cũng tập trung mạnh vào vàng (ảnh hưởng tới dòng vốn từ CK), số liệu ước tính từ Hội đồng vàng thế giới – WGC và Capital Economics năm 2019 các NHTW mua khoảng 700 tấn vàng, mức cao nhất trong 60 năm. Những định chế tài chính lớn như các Quỹ Đầu tư đặc biệt là các Quỹ ETFs ước tính đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng – mức cao nhất lịch sử mọi thời đại.
Người giàu cũng tập trung phòng thủ, giữ tiền mặt hoặc các loại tài sản an toàn. Báo cáo 2019 do UBS và Campden Research vừa công bố về 360 công ty quản lý tài sản gia đình trên thế giới cũng cho thấy tình hình tương tự. Đa số cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào năm 2020, với tỷ lệ người trả lời là "ảm đạm" cao nhất tại các thị trường mới nổi. Khoảng 42% công ty trong ngành trên toàn cầu đang tăng dự trữ tiền mặt. Berkshire Hathaway – Tập đoàn đầu tư của tỷ phú Warren Buffett tới nửa cuối 2019 vẫn đang giữ lượng tiền mặt lớn nhất lịch sử của họ, nghĩa là họ bán hầu hết Danh mục, chuẩn bị sẵn lượng tiền dồi dào cho cơ hội mới và cơ hội đó là gì nếu không phải là đợi TTCK đi xuống do Tập đoàn này trước giờ chỉ đầu tư vào doanh nghiệp.
Các bất ổn Trung Đông, Mỹ La tinh, Triều Tiên…vẫn còn chưa được giải quyết.
Chiến tranh thương mại vẫn phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu dù Mỹ-Trung dịu bớt nhưng thương chiến đã lan ra khắp các châu lục.
Dịch bệnh Corona vẫn chưa có hồi kết và nếu có hậu quả của nó để lại còn lâu mới có thể khắc phục. Việc hạ LS để cứu nguy của các NHTW sẽ ít ý nghĩa nếu các DN vẫn còn khó khăn để hoạt động, việc đi lại bị giới hạn khiến giao thương bị hạn chế dẫn đến khó tiếp cận nguồn nguyên vật liệu sản xuất và người dân thì không dám ra đường. Do đó hoạt động của các công ty sẽ khó mà khả quan thậm chí có thể là rất tệ và như vậy tác động tiêu cực đến giá CP.
Đô la Mỹ tăng giá liên tiếp bất chấp FED hạ LS liên tục khiến CK Mỹ ngày càng đắt hơn và nếu các tài sản khác giảm trước có thể kích hoạt các động thái chốt lời, bán CK bù lỗ.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và TPCP 30 năm giảm thấp nhất mọi thời đại khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược ngày càng sâu hơn cho thấy NĐT càng hoảng sợ lại có thêm lý do rút khỏi kênh CK đặc biệt CK Mỹ vốn đang ở mức cao nhất lịch sử. Lợi suất TPCP Mỹ 10 năm lần đầu tiên trong lịch sử giảm về dưới 1%. Điều đặc biệt là trong suốt 2 tuần giao dịch vừa qua, gần như ngày nào lợi suất này cũng “tạo đáy lịch sử” cả. Điều này cho thấy tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường dẫn đến bán tháo bất chấp.
Rủi ro thanh khoản tăng cao. Như S&P 500, bao gồm cổ phiếu của các công ty lớn nhất thế giới có tới hơn một nửa cổ phiếu giao dịch thường xuyên giao dịch dưới 150 triệu USD/ngày nhiều tháng nay. Quy mô thanh khoản này nghe có vẻ lớn, nhưng thực tế lại rất nhỏ do đang có hàng ngàn tỷ USD từ các quỹ đầu tư theo chỉ số bám theo S&P 500 lớn gấp nhiều lần thanh khoản hiện tại. Thử hình dung rạp chiếu phim với cửa ra vào luôn như vậy, không rộng hơn được nhưng gặp phim bom tấn mà phim CK Mỹ vốn hay 11 năm nay rồi nên càng nhiều người muốn xem. Nếu xảy ra đám cháy thì gần như hầu hết sẽ không chạy thoát được. Và điều này sẽ tác động đến các TTCK nhỏ hơn, thậm chí cả thị trường Trái phiếu. Đám cháy khi đó sẽ kết hợp thêm gió bão sẽ càn quét cả các thị trường khác là điều không ai mong muốn.
Rủi ro từ các giao dịch tự động. Thống kê cũng cho thấy các giao dịch tự động dựa trên máy tính điện tử ngày càng chiếm ưu thế, thậm chí có thể tới 80% các giao dịch hàng ngày. Điều này làm gia tăng biến động của TTCK và nếu rủi ro xảy ra các lệnh trên sẽ được kích hoạt bán tháo tự động hàng loạt như thác lũ và không gì có thể cản lại được khi mà các NĐT tổ chức, NĐT lớn vẫn còn nắm giữ rất nhiều loại CK mà thanh khoản thì đang dần cạn kiệt. Jamie Dimon CEO của JP Morgan Chase nói rằng các quỹ ETFs vốn đang quản lý lượng vốn nhiều chưa từng có và ông đặt câu hỏi nếu có điều gì xấu xảy ra sẽ buộc các quỹ này phải trả lại tiền cho NĐT. Ông đã khuyến cáo giám sát rủi ro vì điều này có thể gây ra những rủi ro dây chuyền, thậm chí là khơi mào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. JP Morgan cũng cho biết các quỹ thụ động như quỹ chỉ số, quỹ ETFs chiếm tới 60% tổng tài sản được quản lý đầu tư vào thị trường cổ phiếu.
Chiến tranh tiền tệ lan rộng do các NHTW đua nhau hạ LS, đưa ra các gói kích thích tuy nhiên nhiều nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, thậm chí tiệm cận suy thoái (Đức, Hong Kong, Nhật, Trung Quốc...) trong bối cảnh chưa có Corona như hiện nay đã làm cho nhu cầu phòng thủ tăng cao. Rõ ràng hiệu quả của nới lỏng tiền tệ là rất thấp khi bạn cứ xài một chiêu cũ hoài mà tác dụng không có. Điều duy nhất họ làm được rất tốt chính là giúp cho cục nợ của TG tăng vọt. Nợ công hết năm 2019 đã vượt 70 ngàn tỷ USD, riêng Mỹ đóng góp 1/3 trong số này thậm chí tỷ lệ ngày càng tăng khi TPCP Mỹ vẫn đang hút hàng liên tiếp (minh chứng là lợi suất liên tục phá đáy). Nợ thế giới (bao gồm nợ công, nợ các DN tài chính, DN phi tài chính, hộ gia đình, cá nhân) đã tiến lên xấp xỉ 260 ngàn tỷ USD (gấp 3 lần trong 20 năm qua). Và TG đang đi trên 1 con đường nợ nần đang ở mức cao nhất lịch sử nhân loại, và con đường này thì chỉ có một chiều khiến bạn không thể quay đầu.
Vì thế hãy luôn mong những điều tốt đẹp nhất nhưng hãy chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất để từ đó có những chính sách, biện pháp phòng tránh hoặc ít nhất cũng hạn chế được tác hại của nó. Khi đó chúng ta có thể chinh phục thử thách, vượt qua khó khăn để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận