Nền kinh tế toàn cầu không còn vùng đệm an toàn
Nền kinh tế thế giới năm 2019 đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Với mức tăng bình quân 2,9%, kinh tế thế giới không còn khả năng chịu đựng một cú sốc như dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) ở Trung Quốc nếu tình hình tiếp tục xấu đi, theo nhận định của nhà kinh tế Stephen Roach, Giáo sư đại học Yale và cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á.
Theo ước tính mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ tăng 2,9% vào năm 2019, kết quả yếu kém nhất kể từ suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính năm 2009.
Nhìn từ bên ngoài, mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu dường như không có vấn đề gì. Tuy nhiên, kể từ năm 1980, tăng trưởng kinh tế của thế giới đã đạt trung bình 3,5% trong năm 2019. Trong bất kỳ nền kinh tế nào, chìa khóa để đánh giá tác động của tăng trưởng nằm ở những sai lệch so với xu hướng trên.
Việc tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm 0,6 điểm phần trăm so với xu hướng tăng trưởng nói trên khiến người ta lo ngại.
Từng nền kinh tế có thể “co lại” một cách tự nhiên trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, song điều này hiếm khi xảy ra đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Những nghiên cứu sâu rộng của IMF về nền kinh tế toàn cầu tập hợp 194 quốc gia đã cho thấy rằng trong một thời kỳ suy thoái, khoảng một nửa nền kinh tế của thế giới đã bị thu hẹp, trong khi nửa còn lại tiếp tục mở rộng, mặc dù với tốc độ khiêm tốn.
Tuy nhiên, suy thoái xảy ra 10 năm trước là một ngoại lệ rõ ràng đối với quy tắc này. Vào đầu năm 2009, không dưới 3/4 nền kinh tế của thế giới rơi vào trong tình trạng “co lại”, điều này dẫn đến sự thụt lùi hiếm hoi của GDP thế giới, mức suy giảm lớn đầu tiên của kinh tế thế giới kể từ những năm 1930.
Đối với các nhà phân tích chu kỳ kinh doanh toàn cầu, tăng trưởng từ 2,5% đến 3,5% được coi là một vùng nguy hiểm. Khi tăng trưởng sản xuất toàn cầu rơi vào nửa dưới của phạm vi này như đã từng xảy ra năm 2009, những rủi ro của suy thoái kinh tế toàn cầu phải được xem xét nghiêm túc.
Trong các dự báo chính thức, IMF cho rằng sẽ một sự tăng tốc nhẹ của GDP thế giới vào năm 2020 và 2021, cụ thể là 3,3% và 3,4%. Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo sáu lần liên tiếp. Do đó, không có gì đảm bảo rằng các dự đoán mới nhất của IMF sẽ được trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm càng đáng lo ngại hơn khi nền kinh tế thế giới đang thiếu vùng đệm an toàn. Các biện pháp đang được Trung Quốc áp dụng để ứng phó với dịch COVID-19 nhắc nhở thực tế là các cú sốc xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Chỉ mới vài tuần trước, thế giới đã từng có khả năng bùng nổ một cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và Iran. Trước đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng trong thời gian dài.
Báo cáo mới nhất của IMF ước tính tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1% trong năm 2019, lần điều chỉnh giảm thứ bảy liên tiếp. Thương mại từ lâu đã là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn liên kết chặt chẽ nhờ các chuỗi cung ứng. So với mức trung bình 5% trong giai đoạn 2010-2018, sự chậm lại trong tăng trưởng thương mại thế giới có vẻ đáng báo động hơn.
Theo ông Stephen Roach, không thể bỏ qua tác động của các biện pháp bảo hộ, được tạo ra từ cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chưa kể một số dấu hiệu đáng lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và châu Âu.
Với việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý đình chiến, hy vọng rằng dự báo thương mại sẽ được cải thiện. Bản cập nhật tháng 1/2020 của IMF cho rằng thương mại thế giới sẽ hồi phục nhẹ với mức tăng trưởng trung bình 3,3% trong giai đoạn 2020-2021./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận