Nền kinh tế số 1 thế giới gây bất ngờ
Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi vượt trội trước lạm phát và lãi suất cao, nhưng tăng trưởng cuối cùng vẫn sẽ hạ nhiệt.
Bất chấp mức lãi suất cao hơn, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu đủ để giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 5,2% hàng năm trong quý III/2023, cao hơn mức ước tính trước đó là 4,9%, báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/11 cho thấy.
Điều này nghĩa là nền kinh tế số 1 thế giới đã bất ngờ tăng tốc mạnh mẽ từ mức 2,1% trong quý II/2023. Nó cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng quý nhanh nhất trong gần 2 năm và tiếp tục phát triển bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài kể từ cuối năm 2022.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Mỹ, chi tiêu tiêu dùng – huyết mạch của nền kinh tế, tăng với tốc độ 3,6% hàng năm trong quý III/2023, đây vẫn là mức tốt nhưng giảm so với ước tính 4% trước đó. Đầu tư tư nhân tăng với tốc độ 10,5% hàng năm, bao gồm đầu tư nhà ở tăng 6,2%, bất chấp lãi suất thế chấp cao hơn.
Ngoài ra, sự gia tăng chi tiêu và đầu tư của chính quyền các cấp – liên bang, tiểu bang và địa phương – cũng thúc đẩy tăng trưởng quý III.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tỏ ra kiên cường ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản 11 lần kể từ tháng 3/2022 để chống lại làn sóng lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.
Lãi suất cao hơn đã làm tăng đáng kể chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhưng chúng cũng đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,2% trong tháng 10 so với 12 tháng trước đó, một sự cải thiện rõ rệt so với mức lạm phát 9,1% cùng kỳ năm trước được ghi nhận vào tháng 6/2022.
Tăng trưởng hạ nhiệt
Tuy nhiên, trong quý IV năm nay, các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng có thể sẽ chậm lại đáng kể do tác động tích lũy của lãi suất vay cao hơn đối với chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ví dụ, TD Economics – hãng phân tích hiệu quả kinh tế trên toàn cầu, tập trung vào Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,8% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 (quý IV/2023).
“Không có dấu hiệu nào cho thấy bầu trời u ám đối với nền kinh tế trong báo cáo ngày hôm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đang hạ nhiệt”, ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS ở New York, cho biết khi đề cập đến báo cáo ra ngày 29/11 của Bộ Thương mại Mỹ. “Đơn giản là vì không có nhiều gió thổi vào cánh buồm của nền kinh tế trong quý cuối cùng của năm nay”.
“Như chúng tôi đã cảnh báo vào tháng trước, bằng chứng về sức mạnh kinh tế trong mùa hè có thể khiến một số người hiểu lầm rằng nền kinh tế đang trên một quỹ đạo mạnh mẽ. Thực tế không phải vậy”, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon – bộ phận tư vấn chiến lược toàn cầu của Ernst & Young, cho biết trong một ghi chú hôm 29/11.
“Chúng tôi tiếp tục tin rằng khi mọi người nhận thức được rằng chi phí của mọi thứ đều cao hơn trước đại dịch, gánh nặng trả nợ gia tăng và tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại, tất cả sẽ làm giảm khả năng cũng như mong muốn chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Daco nói.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 29/11 dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, giảm từ mức 2,4% vào năm 2023, khi Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.
Tín hiệu từ Fed
Theo tín hiệu gần đây từ các quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ, các nhà đầu tư đang đánh cuộc rằng Fed có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách thứ 3 liên tiếp vào tháng tới.
Các quan chức Fed chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả tăng trưởng, khi cân nhắc chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo cú “hạ cánh mềm”.
“Nói chung, có vẻ như tăng trưởng đang chậm lại như tôi mong đợi, hỗ trợ cho tiến trình giảm lạm phát tiếp tục”, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết hôm 28/11 tại một sự kiện do Viện Doanh nghiệp Mỹ tổ chức.
Ông Waller, một quan chức hàng đầu của Fed và thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), người thường ủng hộ lập trường cứng rắn trong việc chống lạm phát, nói rằng ông “ngày càng tin tưởng rằng chính sách hiện đang được định vị tốt để làm chậm nền kinh tế và đưa lạm phát trở lại mức 2%”, mục tiêu lạm phát của Fed.
Mặc dù Fed có thể sẽ giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm trong cuộc họp chính sách ngày 12-13/12, một số quan chức vẫn tin rằng vẫn còn nhiều dư địa để tăng lãi suất.
Thống đốc Fed Michelle Bowman, một trong những quan chức diều hâu nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ, cho biết hôm 28/11 tại một sự kiện ở thành phố Salt Lake rằng bà kỳ vọng “chúng ta sẽ cần tăng lãi suất quỹ liên bang hơn nữa để đưa lạm phát xuống mức 2% mục tiêu một cách kịp thời”, lập luận rằng đà giảm của lạm phát có nguy cơ bị đình trệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận