'Nền kinh tế mới' của Singapore bị hoài nghi sau khi vốn hóa của Grab và Sea bị thổi bay 71 tỉ đô la
Trong nhiều năm qua, Grab Holdings Ltd. và Sea Ltd., hai công ty đại diện cho nền kinh tế mới lớn nhất của Singapore, được ca ngợi sẽ tạo ra mô hình kinh doanh mang tính đột phá tiếp theo bằng cách cung cấp các dịch vụ dựa vào siêu ứng dụng.
Tuy nhiên, trong năm 2022, cổ phiếu của hai công ty này bị bán tháo, khiến vốn hóa thị trường của họ bị thổi bay tổng cộng 71 tỉ đô la Mỹ. Điều đó dường như cho thấy rằng giới đầu tư không còn tin tưởng vào câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của họ
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng công nghệ và gọi xe Grab giảm hơn 50%, trong khi đó cổ phiếu của hãng game và thương mại điện tử Sea (chủ sở hữu của Shopee) giảm 46%.
Giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của hai công ty này, đang lẹt đẹt ở dưới đáy của chỉ số MSCI Asean. Đà giảm giá xảy ra sau khi cổ phiếu của họ được đưa vào các bộ chỉ số của Công ty MSCI Inc. (Mỹ), chuyên cung cấp các chỉ số chứng khoán và công cụ phân tích đầu tư.
Cơn bán tháo cổ phiếu công nghệ và sự mối quan tâm đang suy giảm của giới đầu trên toàn cầu đối với các công ty thâu tóm vì mục đích đặc biệt (SPAC) đã tác động mạnh triển vọng của Grab và Sea.
Nhà phân tích Brian Freitas, cây bút của trang web nghiên cứu đầu tư độc lập Smartkarma, nói: “Các nhà đầu tư thụ động sẽ mất kha khá tiền ở những cổ phiếu này. Diễn biến giá cổ phiếu của Grab và Sea trong tương lai phụ thuộc vào cách các công ty hoạt động này và môi trường vĩ mô toàn cầu, tất cả đều có vẻ như không hứa hẹn vào thời điểm hiện tại”.
Cổ phiếu Grab được thêm vào chỉ số MSCI Asean vào tháng 2, sau khi Grab sáp nhập vào Altimeter Growth Corp., một công ty SPAC, để niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq của Mỹ. Cổ phiếu Sea cũng được đưa vào chỉ số này vào tháng 5-2021.
Freitas ước tính giá trị nắm giữ thụ động cổ phiếu Sea và cổ phiếu Grab ở chỉ số MSCI Asean lần lượt là gần 2,8 tỉ và 280 triệu đô la Mỹ.
Triển vọng kinh doanh của hai công ty này đang u ám trong ngắn hạn. Sea, có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Tencent (Trung Quốc), đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng ở đơn vị bán lẻ trực tuyến Shopee sau khi chứng kiến doanh thu mảng game suy giảm.
Tuy nhiên, Sea đã đóng cửa mảng kinh doanh thương mại điện tử ở Ấn Độ vào hôm 29-3 tại thị trường Ấn Độ sau khi chính phủ nước quyết định cấm lưu hành tựa game hàng đầu Garena Free Fire của Sea cùng hàng chục ứng dụng khác hồi tháng 2 vì cho rằng chúng gây ra các mối đe dọa an ninh đối với Ấn Độ do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lệnh cấm này khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của Sea, dẫn đến vốn hóa của công ty này bốc hơi 16 tỉ đô la Mỹ chỉ trong một phiên giao dịch.
Shopee chỉ giải thích rằng quyết định đóng cửa các hoạt động tại Ấn Độ là do các tình trạng không chắc chắn của thị trường toàn cầu.
Sea thâm nhập vào Ấn Độ vào tháng 10-2021 như là một phần của kế hoạch mở rộng sự hiện diện ra thị trường quốc tế. Hồi đầu tháng 3, Shopee cũng bất ngờ thông báo rút khỏi Pháp sau khi khai trương kinh doanh ở nước này chưa đầy 4 tháng.
Oshadhi Kumarasiri, nhà phân tích của LightStream Research, nói: “Quỹ đạo tăng trưởng của Shopee đang bị dát phẳng nhanh chóng sau khi thoát ra khỏi thị trường Ấn Độ và Pháp. Đối với một công ty được định giá cao dựa vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, rất khó để phớt lờ tác động từ việc rời khỏi một thị trường khổng lồ như Ấn Độ. Câu chuyện tăng trưởng của Sea đang vụn vỡ”.
Trong khi đó, mức thua lỗ của Grab đang gia tăng vì công ty này tiếp tục “đốt tiền” để tung ra các chương trình ưu đãi và trợ giá cho các tài xế đối tác và khách hàng. Giá cổ phiếu Grab giảm hơn 37% trong phiên giao dịch hôm 3-3 sau khi nền tảng gọi xe và giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á báo cáo mức lỗ ròng trong quí 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,055 tỉ đô la Mỹ, đưa tổng lỗ ròng cả năm 2021 lên mức 3,4 tỉ đô la.
Grab có thể sớm đổi mặt với các đơn kiện tập thể ở Mỹ do các cổ đông khởi xướng vì họ cho rằng công ty này phải chịu trách nhiệm cho những công bố thông tin sai lệch và không đúng sự thật trước khi niêm yết cổ phiếu của New York.
Vincent Stevens, quản lý cấp cao ở Công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting, nhận định giới đầu tư ở Phố Wall đang xem các công ty công nghệ Đông Nam Á là các khoản đầu tư rủi ro vì con đường kiếm lợi nhuận của họ không rõ ràng. Ông nói: “Những công ty này được định giá cao nhờ triển vọng tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng đó không đến cùng lúc với sự cải thiện dòng tiền hay khả năng sinh lời. Điều này thách thức tính bền vững từ mô hình kinh doanh của họ”.
Dù vậy, giới phân tích đã chậm phản ứng để điều chỉnh giảm giá mục tiêu của cổ phiếu Sea và Grab vì đánh giá cao vị thế dẫn đầu thị trường của họ ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Bloomberg, họ vẫn kỳ vọng mức lợi nhuận từ hai cổ phiếu đạt ít nhất 68% trong 12 tháng tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận