Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có sự kết hợp hiếm có trong lịch sử: Thêm vài tháng Fed ‘án binh bất động’ sẽ không đáng kể?
Các quan chức cho rằng cách biệt một vài tháng để cắt giảm lãi suất thực sự không đáng kể, trừ khi có một cú sốc lớn tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 30-31/7. Trước đó, một nhóm các nhà kinh tế bao gồm cựu Phó Chủ tịch Fed Alan Blinder và người đoạt giải Nobel - Paul Krugman đã thúc giục các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất sớm thay vì chờ đợi thêm.
Trong bài xã luận trên tờ Wall Street Journal mới đây, ông Blinder đặt câu hỏi rằng: “Tại sao phải đợi?”. Nhưng cũng có những luận điểm mạnh mẽ xoanh quanh câu hỏi ngược lại: “Tại sao lại không đợi?”.
Blinder và các nhà kinh tế khác lập luận rằng các ngân hàng trung ương nên thực hiện cắt giảm lãi suất sớm, vì chính sách tiền tệ có độ trễ và có thể thay đổi. Nói cách khác, nền kinh tế cần thời gian để có thể cảm nhận hoàn toàn từ các động thái của Fed.
Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ để hãm phanh nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Trước đó vào năm 2022, lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm.
Lạm phát hiện vẫn trên mức mục tiêu nhưng chỉ nhỉnh một chút. Vì vậy, việc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn nữa có nguy cơ gây tổn hại hơn là giúp ích cho nền kinh tế.
Trong khi đó, một số vết nứt đang xuất hiện. Xét về thị trường lao động, số việc làm mới đang giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng cao. Từ công bố mới, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023. Thước đo hoạt động của nhà máy tại Mỹ - chỉ số sản xuất ISM đạt 46,8%. Con số này kém hơn dự kiến và là tín hiệu của sự suy thoái kinh tế.
Song tình hình hiện tại chưa đến mức quá bi quan.
Người tiêu dùng Mỹ chi tiêu thận trọng hơn nhưng chưa đến mức thắt lưng buộc bụng
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,8% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế. Trong khi đó lạm phát tiếp tục giảm về gần mục tiêu 2%. Đây là một sự kết hợp hiếm có trong lịch sử.
Dù tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục tuyển hơn 100.000 lao động mỗi tháng. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 bất ngờ tăng vọt lên 3,5% là lời nhắc nhở không có gì đảm bảo giá cả sẽ tiếp tục đi theo xu hướng hiện tại.
Đó là lý do tại sao nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm nay. Vẫn còn hai đợt công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nữa trước cuộc họp ngày 18/9 của Fed. Vì vậy, ông cho rằng phải chờ xem xu hướng lạm phát có tiếp tục giảm hay không. Với tăng trưởng việc làm và chi tiêu tiêu dùng vững chắc, nhà kinh tế học đánh giá dự đoán ba đợt cắt giảm trong năm nay là không khả thi.
Nhà kinh tế học Sean Snaith của Đại học Trung Florida cũng tin rằng còn quá sớm để bắt đầu cắt giảm ngay lập tức. Thậm chí, ông cho rằng Fed sẽ không hành động cho đến tận năm 2025. Tuy nhiên, khả năng điều đó xảy ra cũng hiếm như bão tuyết giữa mùa hè.
Các quan chức Fed đã ám chỉ rằng tháng 9 là thời điểm họ có thể hạ lãi suất. Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng cách biệt một vài tháng để cắt giảm lãi suất thực sự không đáng kể, trừ khi có một cú sốc lớn tác động đến nền kinh tế trong thời gian đó. Nhưng ông Waller thừa nhận rằng thời điểm này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư đặt cược vào động thái tiếp theo của Fed.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận