Nền kinh tế hấp thụ gần 9,5 triệu tỷ đồng, vốn ngân hàng đi đâu?
Dư nợ chứng khoán tập trung tại một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank, TPBank, VIB, VietinBank và MSB. Thông tin được đưa ra tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước, chiều 22/4.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.499.546 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Thông tin trên được đưa ra tại họp báo kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, chiều 22/4.
Đề cập tới tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro, ông Tuấn Anh cho biết tính đến 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm 19,83% tổng dư nợ nền kinh tế.
Về cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với 31/12/2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng BĐS đạt 1.183.873 tỷ đồng, tăng 1,75% so với 31/12/2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Đối với tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán, ông Tuấn Anh chia sẻ dữ liệu cập nhật mới nhất đến 28/2, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu (96,21%). Theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất (70,54%), dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ 2 (26,93%).
Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm ngân hàng TMCP khác (chiếm 48,42%).
Dư nợ tín dụng chứng khoán tập trung tại một số ngân hàng như Vietcombank (chiếm 27,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (13,47%), Techcombank (12,46%), TPBank (8,91%), VIB (5,25%), VietinBank (4,25%), MSB (4,6%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận